Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Hưng Yên

Ngày đăng: 26/04/2023
Dân tộc Việt Nam có bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Trong tâm linh và tình cảm của những người dân đất Việt đều tin rằng: Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của dân tộc, các Vua Hùng là những người có công dựng nước.

Vì vậy, Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày mùng 10/3 âm lịch), ngày lễ trọng của cả dân tộc ta từ lâu đã trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam; là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn". Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm, Phố Hiến - Hưng Yên hiện vẫn còn lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về thời kỳ Hùng Vương, đặc biệt là các di tích, lễ hội tiêu biểu, độc đáo liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Có thể kể đến 2 di tích tiêu biểu là đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ.

 

Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân ở khu phố Xích Đằng, Phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên)


Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân thuộc khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên). Tương truyền, Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con trai. Để gây dựng giang sơn, năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên đất Phong Châu (Phú Thọ), cùng tôn người con cả lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Theo văn bia lưu tại Đình Cả, phường Lam Sơn, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân có từ giữa thế kỷ 18. Vào năm 1740, chúa Trịnh Doanh cầm quân đi dẹp loạn qua khu vực Phố Hiến được Quốc Tổ Lạc Long Quân báo mộng lành rồi bách chiến bách thắng. Nhớ ơn công đức Quốc tổ, triều đình đã cho xây dựng đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn ngày nay. Trải qua thời gian, dưới tác động của thiên tai, chiến tranh tàn phá, ngôi đền cũ không còn. Để tỏ lòng biết ơn, tri ân công lao của các bậc tiền nhân đã khởi dựng cơ đồ, đặt nền móng vững chắc cho dân tộc Việt Nam, năm 2018, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được khởi công phục dựng trên nền móng của ngôi đền cũ. Sau hai năm, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được hoàn thành với khuôn viên rộng 2,5 nghìn m2 gồm các hạng mục công trình: Tam quan, Tả vu, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và hệ thống sân vườn. Hiện ngôi đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự có giá trị về lịch sử - văn hóa. Lễ hội truyền thống đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được tổ chức hằng năm vào ngày 26/2 âm lịch, để tưởng nhớ công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như: Tế lễ, dâng hương và giao lưu văn nghệ…


Cách đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân chừng 5km là đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ ở thôn Tân Hưng, xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) với sức sống hơn 1.000 năm tuổi. Ngôi đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ và 24 vị Quận công có công trợ giúp vua Lê Đại Hành đánh đuổi quân Tống xâm lược, đem lại thái bình cho đất nước, ấm no cho Nhân dân. Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ được khởi công xây dựng năm 981, trùng tu vào thời Nguyễn. Hiện nay, ngôi đền vẫn còn khá nguyên vẹn và giữ được nét cổ kính hiếm có. Đền có vị trí cảnh quan, kiến trúc cùng khuôn viên đẹp với bố cục mặt bằng tổng thể kiểu chữ nhị. Các cấu kiện kiến trúc đều được làm từ vật liệu gỗ, còn tương đối đồng bộ với nhiều mảng chạm khắc đẹp, mang đậm phong cách kiến trúc và mỹ thuật thời Nguyễn. Trong đền còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như tượng thờ, châm thư, đại tự, câu đối… Tại đây, cứ vào dịp Lễ Giỗ Tổ (ngày mùng 10/3 âm lịch) hằng năm, chính quyền và Nhân dân địa phương lại mở lễ hội truyền thống hướng về cội nguồn dân tộc để tưởng nhớ công ơn to lớn của các bậc thánh nhân. Đồng chí Lã Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Hùng Cường cho biết: Năm nay, lễ hội truyền thống hướng về cội nguồn đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ được tổ chức từ ngày 26 - 29/4 (tức từ ngày 7 – 10/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa như: Lễ dâng hương, tế lễ, rước nước, dâng sản vật, giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian… Để bảo đảm công tác tổ chức lễ hội đúng quy định, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, UBND xã đã chủ động phối hợp với Ban quản lý di tích đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ và Nhân dân địa phương tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất phục vụ cho lễ hội.

 

Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ ở thôn Tân Hưng, xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên)


Có thể nhận thấy, Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng người Việt vừa là biểu tượng uy quyền, tôn quý nhưng cũng thật chân thực, gần gũi. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm tựa tâm linh, truyền linh khí cội nguồn, hồn cốt dân tộc. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ là nơi người dân Hưng Yên thành kính tri ân công đức của Vua Hùng và các bậc tiền nhân. Tâm thức chung một cội nguồn như mạch ngầm hun đúc, là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đưa quê hương tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển, đúng như Bác Hồ từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.


                                                                                                                                            Theo: Lê Hiếu - Báo Hưng Yên

 






TIN BÀI LIÊN QUAN