Sớm biến tiềm năng thành lợi thế để du lịch Hưng Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Ngày đăng: 16/01/2018
Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Thái  Bình và phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam. Trong quy hoạch xây dựng, […]

      Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Thái  Bình và phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam. Trong quy hoạch xây dựng, tỉnh Hưng Yên thuộc vùng Hà Nội, có diện tích 923,09km2, dân số gần 1,2 triệu người, có 161 xã, phường và thị trấn được chia thành 10 đơn vị hành chính bao gồm thành phố Hưng Yên và 9 huyện với vị trí và hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt rất thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Về phương diện du lịch, Hưng Yên nằm trong khu vực trung tâm Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và liền kề thủ đô Hà Nội, trung tâm du lịch lớn cả nước, vị trí địa lý đem lại lợi thế nhất định cho tỉnh trong việc kết nối phát triển du lịch.


Văn Miếu Hưng Yên

Về tài nguyên du lịch, Hưng Yên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, có số di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ 3 trong cả nước, có 01 khu di tích quốc gia đặc biệt- khu di tích Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), ngoài ra còn có cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cụm di tích Phù Ủng- thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão, cụm di tích Tống Trân- Cúc Hoa, cụm di tích Đa Hoà- Dạ Trạch gắn với phát triển tuyến du lịch sông Hồng, cụm di tích quốc gia Đình Đại Đồng và Chùa Nôm….


Đền Mẫu-Tp Hưng Yên

Trong đó, cụm di tích Phố Hiến cổ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 về việc Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch; cụm di tích quốc gia Đình Đại Đồng và Chùa Nôm đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho lập dự án quy hoạch này gắn với phát triển du lịch. Hiện nay tỉnh đang triển khai lập các dự án thành phần trong quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch và dự án quy hoạch khu di tích cấp quốc gia Đình Đại Đồng và Chùa Nôm gắn với phát triển du lịch để đầu tư phục dựng lại cùng với các chương trình, kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các khu di tích của tỉnh và đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng du lịch, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung.


Lễ hội Chử Đồng Tử- Tiên Dung


Làng nghề truyền thống Tương Bần


Gà Đông Tảo

Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ hơn 400 lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa, phong tục Việt như: Các lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, Lễ hội đền Phù Ủng, Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung… cùng với hàng trăm làng nghề truyền thống: Làng nghề tương Bần, hương xạ thôn Cao, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, làng nghề chạm bạc Huệ Lai; nhiều đặc sản nổi tiếng: nhãn lồng Phố Hiến, gà Đông Tảo, bún thang lươn… hấp dẫn du khách. Mảnh đất Hưng Yên còn được biết đến là cái nôi của nhiều nghệ thuật dân gian truyền thống: hát Ca trù, hát chèo, hát Trống quân…đều là những sản phẩm để thu hút khách du lịch đến Hưng Yên.


Hát Ca Trù

Những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh xây dựng quy hoạch, triển khai các dự án hạ tầng du lịch. Tổ chức lễ hội truyền thống; tôn tạo, tu bổ di tích, bảo vệ phát huy giá trị lịch sử, thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển. Đồng thời xây dựng các tuyến, điểm tham quan du lịch nhằm thu hút khách. Tuy nhiên, du lịch Hưng Yên còn rất nhiều khó khăn, thách thức như: Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp được các yêu cầu của du lịch; công tác quảng bá, giới thiệu chưa tốt; sự liên kết, phối hợp của Hưng Yên với các địa phương trong vùng chưa thật hiệu quả; ngân sách của tỉnh rất hạn chế, doanh nghiệp quy mô nhỏ nên việc đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ phục vụ du lịch chưa được bao nhiêu và chưa thoả mãn được nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Bởi vậy, du lịch vẫn chỉ mới dừng ở mức tiềm năng, chưa được khơi dậy và phát triển.
Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên xác định các không gian du lịch, tuyến du lịch gắn với các sản phẩm cụ thể như: Du lịch văn hoá tâm linh gắn với các di tích lịch sử văn hoá, các lễ hội văn hoá truyền thống; du lịch đường sông gắn với tuyến sông Hồng; du lịch tham quan làng cổ, nhà cổ; du lịch làng nghề; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với khu đô thị Ecopak và làng hoa cây cảnh (huyện Văn Giang)…


Khu đô thị xanh Ecopak

Làng nghề hoa cây cảnh

Để thúc đẩy phát triển và xác định du lịch Hưng Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian tới, các ngành, các cấp cần có định hướng và thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch hành động số 91/KH – UBND, ngày 14.5.2015 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 92/NQ  – CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó tập trung: Tổ chức xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án đầu tư phát triển du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; Tăng cường ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước về: hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý, phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức cộng đồng về phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ và nhận thức của xã hội về phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư tôn tạo, phục dựng lại Phố Hiến cổ theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 của Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch. Tăng cường vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch để cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu di tích lịch sử văn hoá gắn phát triển du lịch như: Khu di tích Đền Chử Đồng Tử – Tiên Dung; Khu di tích Đình Đại Đồng và Chùa Nôm (huyện Văn Lâm); khu di tích Đền Phù Ủng (huyện Ân Thi); khu di tích Đền Tống Trân- Cúc Hoa (huyện Phù Cừ)… Đặc biệt tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật khu di tích Phố Hiến thành Điểm du lịch quốc gia” về tham quan di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch sinh thái đường sông theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.

Phạm Văn Hiệu- Phó GĐ Sở VH, TT& DL Hưng Yên

         
 
 






TIN BÀI LIÊN QUAN