Hàng năm vào tiết trời mùa xuân ấm áp, vạn vật sinh sôi phát triển, người dân làng Nôm – Đại Đồng – Văn Lâm – Hưng Yên dù có đi gần, đi xa cũng trở về quê nhà chảy hội làng Nôm trong niềm hân hoan khôn xiết. “Tiếng lành đồn xa”, du khách thập phương khắp nơi cũng lần lượt về đây dưới bóng cây đa, giếng nước, sân đình, ngôi chùa trăm năm tuổi, nếp nhà cổ kính rêu phong, chợ phiên, Cầu Đá 9 nhịp đầu rồng bắc ngang qua sông Nguyệt Đức…
Đã trở thành tục lệ và hương ước của làng, lễ hội làng Nôm diễn ra vẻn vẹn chỉ trong 3 ngày. Chính hội nhằm ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Chẳng ồn ào nhưng rất làng Nôm ở trong 2 ngày mồng 10 và 11, bởi trong 2 ngày này diễn ra những nghi thức, tục lệ không phải ở nơi đâu cũng có.
Nhà sư làm lễ trong chùa Nôm
8 giờ sáng ngày 10, bắt đầu diễn ra lễ rước nước phục vụ lễ bao sái. Đoàn rước gồm 1 cụ ông cao tuổi, 3 thanh niên khỏe mạnh chưa có vợ và các cụ cao niên trong làng đảm nhận. Vị trí của đoàn rước theo trình tự cụ ông đi trước cầm trống bỏi gõ từng hồi nhịp, lần lượt theo sau là 1 thanh niên đội lễ, 2 thanh niên khênh chóe và các cụ cao niên trong làng đi sau. Lộ trình rước nước xuất phát từ Đình Tam Giang qua con đường làng uốn khúc quanh co trải dài theo ven hồ qua chiếc cổng hơn trăm năm tuổi, rồi tiếp tục qua cây Cầu Đá 9 nhịp đầu rồng được đã ví von qua câu ca dao “ Đồng nát thì về Cầu Nôm”. Đến Chùa Nôm, các cụ cao niên xin nhà chùa lấy nước ở giếng trong đựng vào chóe, hành trình trở về làng thứ tự đoàn rước vẫn như vậy. Nước mang về được đun lên và hòa với thuốc thơm.
Mô phỏng quân, tướng của Đức Thánh Tam Giang
Điều đặc biệt trong nghi thức bao sái các vị thánh đó là chỉ có các cụ cao niên mới được thực hiện. Khi tắm cho các vị thánh, phải dùng khăn mới, mềm, mịn nhúng vào nước thơm rồi lau thật nhẹ nhàng. Theo các cụ cao niên, lễ bao sái nhằm mục đích rửa sạch bụi trần năm trước để chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho việc khao quân, chuẩn bị ra trận trong năm mới của Đức Thánh Tam Giang. Cũng chính trong buổi chiều này, các cụ ông trong làng sẽ làm lễ tế yết với nhiều nghi thức khác nhau. Sáng ngày 11 tại sân đình làng, chính quyền và người dân làng Nôm chuẩn bị kiệu long đình, kiệu bát cống, lộ bộ bát bửu, cờ, kiếm, tàn, lọng, các dụng cụ khác cùng với lễ hương hoa quả để phục vụ lễ rước Thánh ra chùa.
Họ tộc hội ngộ bên sân đình
8 giờ sáng, đoàn rước gồm các đoàn cụ ông, cụ bà, đoàn bát âm, đoàn quan họ, đoàn kỳ lân, người dân trong làng và những người con xa quê hương với khách thập phương hòa cùng những bộ lễ phục, dụng cụ, đoàn lân, rồng múa nhịp rộn ràng, đoàn người đi bộ tiếp nối nhau với những bộ lễ phục nhiều màu sắc trong không khí xuân tạo nên một bức tranh sống động. Lễ này nhằm đưa Thánh Tam Giang ra chùa rước mẹ và đón vợ về đình làng cùng hưởng thụ lộc. Đến trưa đoàn quan họ thả thuyền rồng xuống hồ giữa làng hát phục vụ lễ hội. Buổi chiều, các cụ bà thực hiện lễ dâng hương và lễ Thánh với nhiều nghi thức, ngoài sân đình người dân tổ chức chơi cờ. Buổi tối sẽ kết thúc bằng các tiết mục hát quan họ và hát chèo tại sân đình.
Chính hội, đúng 8 giờ sáng ngày 12, tại hội trường ngôi đình, có đại diện cấp ủy – chính quyền xã Đại Đồng, làng Nôm; đông đủ các cụ cao niên, người dân, các dòng họ trong làng, người làng Nôm xa quê, cùng nhiều du khách trong và ngoài nước đến dự.
Lễ Quán Thế Âm Bồ Tát tại lầu Quan Âm – Chùa Nôm
Lượng người mỗi lúc một đông nên nhiều người phải đứng ở phía ngoài sân lẫn phía ngoài đường. Sau khi, trưởng làng đọc diễn văn khai mạc lễ hội xong, tiếng trống vang vọng, các cụ cao niên vào lễ Thánh, sau đó là đại biểu các cấp chính quyền, các cụ vọng lão, các dòng họ trong làng rồi lần lượt các vị khách vào dâng hương. Điểm khác biệt ở làng Nôm đó là các cụ vọng lão trình làng là phải đúng 55 tuổi trong khi đó ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ là ở độ tuổi 50, văn hóa dòng tộc ở làng Nôm gắn rất liền và khăng khít với lễ hội làng.
Các cụ cao niên dâng bát hương thờ Thánh Tam Giang
Lân, rồng múa nhịp trên chiếc Cầu Đá 9 nhịp đầu rồng vài trăm năm tuổi
Sau các nghi lễ tại đình làng, các dòng họ ở làng Nôm trở về tổ chức các nghi lễ và dâng hương tại nhà thờ họ của mình. Anh, em, con, cháu ở gần, ở xa, ở trong và ngoài nước về xum họp với dòng tộc đứng trước tiên tổ kính cẩn thắp nén nhang thơm rồi tay bắt mặt mừng niềm vui khôn xiết nâng ly rượu chúc nhau những lời tốt đẹp đầu xuân. Làng Nôm có 9 dòng họ sinh sống, hầu như họ nào cũng có nhà thờ riêng với những nét kiến trúc tinh tế.
Rước Thánh về đình làng
Nhiều ngôi nhà thờ được xây dựng hàng trăm năm trong đó có những bia Hán Nôm ghi lại gia phả của họ mạc, điển hình như nhà thờ dòng họ Nguyễn, Đan, Đỗ, Tạ, Phạm, Phùng,… Các ngôi nhà thờ này đều được xây dựng ven hồ làng tạo nên cảnh quan của làng trầm mặc, cổ kính nhưng rất đỗi nên thơ.
Múa rồng trước cổng Tam Quan – Chùa Nôm
Đầu năm du xuân,trẩy hội làng Nôm, tâm hồn thấy nhẹ nhàng, thanh tịnh và tinh thần thêm minh mẫn. Cảm giác những nặng nhọc, xô bồ, bon chen ngoài cuộc sống nhộn nhịp kia chẳng còn vướng bận. Về ngôi nhà thờ, đứng trước bài vị tiên tổ báo cáo những việc làm trong năm qua và cầu an năm tới.
đoàn hát quan họ
Về với dòng tộc thụ lộc đầu xuân với họ mạc, anh em trong lòng phấn chấn. Bất chợt bắt gặp ánh mắt, nụ cười cô thôn nữ mặc áo tứ thân, dáng nhẹ nhàng thướt tha, mắt sáng, môi hồng, khuôn mặt trái xoan khiến lòng ngơ ngẩn. Nhất định năm sau sẽ trở lại lễ hội làng Nôm!
Nghi thức trước Linh Thông Cổ Tự
Bài & ảnh: Phùng Nguyện