Xưa kia, lễ hội đình Quan Xuyên được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, nhưng sau này vào năm 1938 cụ Cao Văn Linh (làm thống phán toà sứ Hưng Yên) thấy dân làng tổ chức lễ hội hàng năm tốn kém, đã quy định lịch tổ chức lễ hội vào các năm "Thìn, Tuất, Sửu, Mùi" (tức 3 năm một lần). Qua một thời gian bị mai một, từ năm 1991 lễ hội đình Quan Xuyên được khôi phục và diễn ra trong 3 ngày từ ngày 11-13 tháng 2 âm lịch. Lễ hội đình Quan Xuyên được bảo lưu gần như nguyên vẹn cả phần Lễ và phần Hội: Vật lầu, cờ người, bịt mắt đập niêu…. Trong đó trò chơi vật lầu là nét đẹp thể hiện tinh thần hữu hảo, đoàn kết, gắn bó. Họ cùng chung ước vọng về sự bình yên, ấm no, hạnh phúc và mong muốn khởi đầu thật nhiều may mắn cho một năm mới.
Nghi thức rước kiệu lễ hội đình làng Quan Xuyên
Theo truyền thống, trước khi vật lầu thì tổ chức vật lão. Tham gia vật lão là 2 cụ cao niên đại diện cho làng Thượng và làng Hạ, gia đình con cháu đuề huề, sung túc, gương mẫu, được dân làng kính trọng. Vật lão ngoài tinh thần thượng võ còn thể hiện sự kính trọng người cao niên.
Trò chơi vật lầu thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách
Tham gia vật lầu là 72 tráng đinh, được chia làm 2 đội làng Thượng và làng Hạ với trang phục đỏ và xanh. Màn vật lầu sẽ diễn ra 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 15 phút, hoặc đến khi quả lầu được đưa về lỗ lầu của đội nào thì đội đó chiến thắng. Đây là một lễ hội đặc sắc đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái và trẩy hội.
Như vậy, tính đến nay tỉnh Hưng Yên có 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Hát trống quân, Lễ hội truyền thống đền Tống Trân (xã Tống Trân, huyện Phù Cừ), Lễ hội cầu Mưa (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm), Lễ hội đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu), Lễ hội đền Hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu), Lễ hội Đậu An (xã An Viên, huyện Tiên Lữ) và Lễ hội đình Quan Xuyên (xã Thành Công, huyện Khoái Châu)./.
Phòng TTDL - Trung tâm TTXTDLHY