Lễ hội đền Ghênh tưởng nhớ Hoàng thái hậu Ỷ Lan

Ngày 08/4 tức ngày 12/3 âm lịch, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm 973 năm ngày sinh Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (7/3/1044-7/3/2017) Lễ hội đền Ghênh tại thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan sinh ngày 07/3 […]

       Ngày 08/4 tức ngày 12/3 âm lịch, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm 973 năm ngày sinh Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (7/3/1044-7/3/2017)

Lễ hội đền Ghênh tại thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm

Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan sinh ngày 07/3 năm Giáp Thân 1044, tại làng Thổ Lỗi (còn gọi là Ghênh Sủi) phủ Thuận An – xứ Kinh Bắc, nay là thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm.

Là một phụ nữ đức hạnh, tài  sắc vẹn toàn, tên tuổi và cuộc đời của bà gắn liền với sự nghiệp của vua Lý Thánh Tông – chồng bà và vua Lý Nhân Tông – con trai của bà. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước.

Với trọng trách nhiếp chính, bà đã cùng với các danh thần, lương tướng trong đó có Thái úy Lý Thường Kiệt đưa ra nhiều kế sách, giữ vững kỷ cương triều chính, đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống, giữ gìn non sông, gấm vóc Đại Việt.

Bà còn quan tâm phát triển Phật giáo; đưa ca múa dân gian vào cung đình; đắp đê chống lụt, làm thủy lợi, khuyến khích phát triển nông nghiệp, ra sắc lệnh cấm giết trâu, bò cày kéo; phát triển nghề thủ công, nghề nuôi tằm, dệt vải… Bà đã góp công lớn xây dựng nhà Lý thành một quốc gia cường thịnh, giữ nước, yên dân bằng tấm gương sáng kết hợp cả pháp trị và đức trị.

Năm 1115,  Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tuổi đã cao, bà về ở hẳn quê nhà và cho xây Thủy Lâu đài để bà tiếp khách triều đình, nghỉ ngơi và tu tại gia. Sau khi bà mất (ngày 25/7/1117 âm lịch), Thủy Lâu đài được sửa sang thành đền thờ bà, gọi là đền Ghênh. Đền Ghênh được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1993.

Hằng năm, vào ngày sinh và ngày mất của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, nhân dân thôn Ngọc Quỳnh lại tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ đến công lao của bà. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: tế lễ dâng hương, hát quan họ,  thi đấu cờ tướng, bóng chuyền hơi và các trò chơi dân gian khác.

CTV: www.hungyentv.vn/






TIN BÀI LIÊN QUAN