Làng nghề đúc đồng - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đến với vùng đất Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng quần thể di tích làng Nôm với tuổi đời hơn 200 năm, mang đậm những nét đặc trưng của ngôi làng Việt cổ xưa. Nơi đây còn nổi tiếng có nghề đúc đồng truyền thống với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất tinh xảo, độc đáo được ưa chuộng trên thị trường. Từ lâu, người dân nơi đây đã quen thuộc với câu ca dao:

“Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha”

Xưa kia, Đại Đồng có nghề thu gom đồng nát và đồng nát chính là nguyên liệu được dùng để tái chế trong nghề đúc đồng. Làng nghề đúc đồng truyền thống đã trải qua bao biến cố thăng trầm để ghi dấu ấn trong lịch sử mà mỗi khi nhắc đến, người dân xã Đại Đồng không khỏi tự hào về truyền thống quý báu của cha ông. Để tiếp nối, gìn giữ và phát triển nghề đúc đồng truyền thống, người dân làng nghề vẫn ngày đêm miệt mài tạo ra những sản phẩm thờ tự các loại, xuất hiện nhiều trên ban thờ cúng gia tiên của các gia đình như đỉnh đồng, hạc đồng, nến đồng, mâm đồng..., phục vụ đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Việt. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, những hộ gia đình trong làng cũng đã tiếp cận, sáng tạo các phương thức làm những bức tranh đồng hay tượng truyền thần, đồ trang trí nội thất,...có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cao, phù hợp với nhu cầu của nhân dân.

Bên cạnh việc tiếp nối, phát huy những kỹ thuật, công nghệ truyền thống, làng nghề đã có sự đầu tư về máy móc hỗ trợ để nâng cao năng suất. Ngày nay, làng đã mở rộng sản xuất và phân công hóa ngành nghề, thành lập các xưởng sản xuất riêng từng loại mặt hàng như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng, xưởng đúc tượng.... Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh, làng nhanh chóng phát triển với nghề đúc đồng, gò đồng nâng cao trong kinh nghiệm luyện đồng.

Đến với làng nghề đúc đồng xã Đại Đồng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công tinh xảo, được tìm hiểu và trải nghiệm quy trình sản xuất dưới sự hướng dẫn của những người thợ có kinh nghiệm lâu năm.

Quy trình sản xuất chính gồm có 5 bước gồm: kỹ thuật tạo hình; tạo khuôn để đúc thành đồng; pha chế, nấu đồng và rót đồng; chạm khắc trên bề mặt sản phẩm; cuối cùng là đánh bóng. Để làm ra những sản phẩm đồng đẹp, tinh xảo, đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, khéo léo, tính toán căn cơ, chuẩn mực trong từng chi tiết, đồng thời cũng tốn rất nhiều thời gian và hơn cả là niềm đam mê, thổi hồn vào mỗi sản phẩm. Mỗi một sản phẩm bằng đồng được tạo ra là sự kết tinh tâm huyết và tài năng của người nghệ nhân và dường như họ đã trở thành người họa sĩ tài ba, đã tạo ra những tác phẩm tinh hoa, đặc sắc.

Nếu bạn có dịp về Văn Lâm, Hưng Yên, đừng quên ghé thăm làng nghề đúc đồng xã Đại Đồng để được thỏa sức chiêm ngưỡng những sản phẩm đồng tinh tế và cảm nhận được lòng yêu nghề của các nghệ nhân nơi đây.

                                                                                       Nguyễn Huệ - TTTTXTDL






TIN BÀI LIÊN QUAN