Triển khai Kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch trong năm 2016, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hưng Yên tổ chức khảo sát, xây dựng tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 8, đoàn đã tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng tại một số điểm du lịch trong tuyến du lịch dọc sông Hồng tại hai huyện Khoái Châu và Phù Cừ.
Nằm trong tuyến du lịch trên tour du lịch sông Hồng về Khoái Châu – Hưng Yên ( Hà Nội – Đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch – TP Hưng Yên), đoàn khảo sát chọn điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình là làng cổ Mạn Xuyên (Xã Tứ Dân, huyên Khoái Châu) – một làng quê mang nét đặc trưng văn hóa của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Theo thần phả của đức thánh Cửa Ải Đại Vương được thờ tại đền Mạn Xuyên, làng được thành lập cách đây hơn bốn ngàn năm. Xưa kia, làng Mạn Xuyên không những giữ vị trí hết sức quan trọng về quân sự giữa khu vực bến Tây Kết, bến Chương Dương, cửa Hàm Tử trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai năm 1285 mà còn nằm trong vùng văn hóa gắn kết với truyền thuyết thiên tình sử Chử Đồng Tử – Tiên Dung như: Đền Hóa Dạ Trạch, bãi Màn Trò Châu. Mạn Xuyên ngày nay còn lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc: quần thể di tích văn hóa bao gồm đình, đền, chùa và miếu thờ bà chúa đầm Mạn Xuyên, cổng làng Mạn Xuyên; lễ hội truyền thống…
Về Mạn Xuyên chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình với con đê dài uốn lượn quanh đầm Mạn Xuyên ôm trọn làng xóm trù phú với những ngôi nhà, những con đường làng, ngõ xóm, ngắm bãi Màn Trò Châu xanh ngắt bãi chuối tiêu hồng.
Cũng nằm trong tuyến du lịch Khoái Châu, đoàn khảo sát chọn vùng trung tâm đất nhãn tại thôn An Cảnh (Hàm Tử, huyện Khoái Châu). Với những vườn nhãn không gian thoáng đẹp, chủ vườn thân thiện, đây được coi là điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách trong chuyến hành trình khám phá trên sông Hồng.
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tống Trân
Dọc theo triền đê sông Hồng, xuôi về phía Đông Nam tỉnh, là hành trình khám phá mảnh đất anh hùng Phù Cừ – đây được coi là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa, tự nhiên có khả năng xây dựng và phát triển du lịch: đền Tống Trân, chùa Trà Dương, đền Phượng Hoàng, cây đa La Tiến… Cây đa La Tiến là địa chỉ đỏ của tỉnh Hưng Yên cũng như cả nước. Nơi đây, thực dân Pháp đã giết hại 1.145 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong và ngoài huyện. Hiện UBND tỉnh Hưng Yên đã có đề án mở rộng Khu di tích cây đa La Tiến để trở thành điểm tham quan, du lịch và giáo dục truyền thống yêu nước. Cùng với di tích cây đa La Tiến, Phù Cừ còn là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, có đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân, đền thờ bà Cúc Hoa là vợ của Trạng nguyên Tống Trân. Không những thế, địa bàn huyện còn có nguồn nước khoáng nóng hiện đang được quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, đoàn cũng tiến hành khảo sát tại khu du lịch sinh thái đảo cò (Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương) – Đây là một vùng ngập nước ven sông Hồng, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, đặc biệt là có nhiều loài cò, vạc, chim quý trú ngụ quanh năm với số lượng lớn trong khu vực Đảo Cò nằm giữa hồ An Dương. Với việc kết nối tuyến du lịch liên tỉnh Phù Cừ (đền Tống Trân – khu nghỉ dưỡng nước nóng – Cây đa La Tiến) – khu du lịch sinh thái đảo Cò tại Hải Dương hứa hẹn là một hành trình tham quan hấp dẫn dành cho những du khách thích khám phá, tìm hiểu văn hóa truyền thống, lịch sử hào hùng, cũng như những gía trị tự nhiên của dân tộc.
Qua chuyến khảo sát, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch sẽ cập nhật thông tin, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch; đưa ra những giải pháp hữu hiệu để thu hút du khách về tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao đời sống xã hội cho người dân ở từng địa phương. Để những tiềm năng du lịch được khai thác và phát triển, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như sự phối hợp, chung tay làm du lịch của người dân địa phương.
TTTTXTDLHY