Hưng Yên có ngôi chùa nhiều tượng đất cổ nhất Việt Nam

Ngày đăng: 16/01/2018
Trải qua nhiều trận lụt trong lịch sử, những bức tượng đất cổ ở chùa Nôm, tỉnh Hưng Yên vẫn còn nguyên vẹn và giữ được tất cả lớp sơn son thiếp vàng.  Cách Hà Nội 30 km về hướng đông, chùa Nôm thuộc quần thể di tích làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, […]

       Trải qua nhiều trận lụt trong lịch sử, những bức tượng đất cổ ở chùa Nôm, tỉnh Hưng Yên vẫn còn nguyên vẹn và giữ được tất cả lớp sơn son thiếp vàng. 
Cách Hà Nội 30 km về hướng đông, chùa Nôm thuộc quần thể di tích làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, là ngôi đại tự có tiếng của phố Hiến còn lưu giữ được nhiều nét cổ.

             Chùa Nôm nhìn từ gác chuông cổng Tam quan

Theo truyền thuyết xưa, chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ, có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh thông cổ tự. Không còn ai nhớ chính xác sự ra đời của ngôi chùa, chỉ biết rằng trên hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa đã được xây dựng lại vào năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó.
Ngay từ khi bước vào cổng làng Nôm, du khách sẽ ấn tượng với cảnh quan cổ xưa với những nếp nhà xưa cũ, mái đình rêu phong, giếng nước, cây đa… Theo phong tục của làng, mỗi khi khách lạ tới chơi thường ghé qua đình Tam Giang thắp nén hương trầm để cầu may mắn. Sau đó bước qua 9 nhịp cầu trên phiến đá xanh hơn 200 năm tuổi bắc qua sông Nguyệt Đức, để đến ngôi chùa cổ linh thiêng. Tham quan chùa Nôm, du khách không khỏi ngỡ ngàng với không gian xanh, yên bình và thả hồn mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ bí của những pho tượng cổ linh thiêng.

Cây cầu đá rêu phong nổi tiếng ở làng Nôm

 Thuộc thiền phái Lâm Tế, chùa Nôm sở hữu 122 pho tượng phật lớn nhỏ làm bằng đất, nằm rải rác khắp nơi với những kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, mô tả con đường trưởng thành của đức Phật. Các bức tượng ở đây được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động, bao gồm Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán… Có những pho tượng cao trên 3m nhưng đôi khi chỉ to bằng nắm tay. Theo đánh giá của các nhà khoa học, với những nếp nhăn trên áo và một số đặc trưng khác trong tạo tác, những bức tượng ở đây tiêu biểu cho nghệ thuật khắc tượng thế kỷ 18.
Trải qua các trận lụt lịch sử, nhiều nơi trong vùng bị lũ nhấn chìm, thậm chí nóc chùa bị nước cuốn trôi, nhưng kỳ lạ thay khi nước rút, các pho tượng Phật bằng đất bị ngâm nước lâu ngày vẫn không hề bị mục nát, sừng sững hiên ngang như thách thức sự hà khắc của thiên nhiên.

Các bức tượng đất cổ ở chùa Nôm.

 Lý giải cho sức sống lâu bền của các pho tượng Phật, một số phân tích của các nhà nghiên cứu cho rằng, đó chính là do trình độ tạo tác điêu luyện của các nghệ nhân thời đó, từ khâu dựng cốt, đắp đất, cho đến sự tỉ mỉ, chau chuốt trong việc phủ các lớp sơn dày.
Du khách có thể thấy được vẻ đẹp hài hòa, phong thủy của chùa Nôm khi đi dạo vãn cảnh chùa, với tháp chuông, lầu trống soi mình trong hồ nước, những tán cây cổ thụ rợp bóng mát. Xuyên qua con đường nhỏ phía hiên chùa, vườn mộ tháp bằng đá ong vàng óng trong nắng sớm. Những tháp đá tuyệt đẹp và nguyên vẹn với niên đại hàng trăm năm tuổi.
Với độ sâu thẳm về tâm linh cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp, gợi những gì thuộc về quá khứ xa xưa, chùa Nôm là điểm đến dành cho những ai yêu thích vẻ đẹp xưa cũ. Du lịch đến chùa Nôm, du khách còn có thể khám phá, thưởng ngoạn những nét văn hoá cổ xưa của làng Nôm, một trong những ngôi làng cổ Việt Nam còn được gìn giữ đến ngày nay.

Theo: Báo Hưng Yên

 
 






TIN BÀI LIÊN QUAN