Hội thảo khoa học quốc tế Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản

Ngày đăng: 20/12/2024
Ngày 20/12, tại Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản.

Dự hội thảo, đại biểu Trung ương có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí: Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh...

Dự hội thảo về phía tỉnh Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, các học giả trong nước và quốc tế…

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Phát biểu chào mừng, khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nêu bật giá trị văn hiến của vùng đất Hưng Yên và giá trị di sản Đại danh y Lê Hữu Trác để lại. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Hưng Yên là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, cách mạng và anh hùng, quê hương của nhiều danh nhân lỗi lạc, trong đó có Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ông là mẫu hình lương y tận hiến, nhà văn sáng tạo, trí thức lấy nghĩa lớn và đức nhân làm trọng. Với bất kỳ tư cách nào và ở lĩnh vực nào, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn là một Nhân cách – Trí tuệ - Tâm hồn lớn; tấm gương về lao động, học tập và sáng tạo; hết mực yêu thương con người, trọng điều nhân nghĩa. Đại danh y Lê Hữu Trác xứng đáng với tầm vóc danh nhân văn hóa mang tầm quốc tế, đúng với lý tưởng, sứ mệnh mà UNESCO thúc đẩy “theo hướng đoàn kết các dân tộc, lòng khoan dung, lý tưởng hòa bình, đối thoại giữa các nền văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”...

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan phối hợp tổ chức hội thảo, nhất là sự quan tâm, hợp tác trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, hội thảo nhận được gần 80 bài tham luận có giá trị của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan khoa học, các đại biểu quốc tế và trong nước. Nội dung tập trung vào 5 nhóm chuyên đề với mục tiêu tiếp tục khẳng định, tôn vinh, tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại danh y; đồng thời nghiên cứu, khai thác các giá trị di sản của Lê Hữu Trác; xây dựng hướng tiếp cận mới về Lê Hữu Trác với tư cách là danh nhân văn hóa đã được UNESCO vinh danh...

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ra trong một gia đình, dòng họ hiếu học, khoa bảng và truyền thống văn hóa đặc sắc của hai vùng quê Hưng Yên, Hà Tĩnh. Ông đã từng theo nghiệp đèn sách, kinh sử, rồi chuyển sang quân ngũ với hoài bão đem tài năng, sức vóc phục vụ triều đình. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng nhìn ra sự rối ren của xã hội thời Lê - Trịnh. Mẫn thời, đạt thế, ông quyết định về quê mẹ, rời xa kinh thành Thăng Long để lánh đời và chuyển sang nghề thuốc. Với trí tuệ uyên bác về y học, ông đã nâng tầm về y đức, y lý, y thuật và dược học đương thời lên tầm cao mới, thành học thuật kinh điển với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”. Ông đã kiến tạo và củng cố thành hệ thống các chuẩn mực về đạo đức của người thầy thuốc. 9 điều trong Y huấn cách ngôn của ông được coi như lời thề đối với những người theo nghiệp Đông y.

Tầm vóc danh nhân và giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có sức thuyết phục đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Ngày 21/11/2023, tại phiên họp lần thứ 42 của Đại hội đồng tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử” niên khóa 2024 - 2025, trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam. Sự kiện UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là sự ghi nhận, đánh giá cao của quốc tế về những đóng góp của ông đối với xã hội, cộng đồng; là sự khẳng định rõ ràng nhất về những thành tựu to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; là sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên cộng đồng quốc tế...

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung làm sâu sắc và sáng tỏ hơn những vấn đề chính: Thân thế, sự nghiệp, quê hương và thời đại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; những đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học cổ truyền Việt Nam, đối với nền văn học, văn hóa dân tộc và nhân loại; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong thời đại ngày nay. Kết quả của Hội thảo này sẽ là cơ sở quan trọng cho những công trình nghiên cứu mới về danh nhân trong tương lai.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên phát biểu chào mừng, khai mạc hội thảo

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên phát biểu chào mừng, khai mạc hội thảo

Dưới sự điều hành của các đồng chí chủ trì hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu báo cáo tham luận làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp, di sản về y thuật, y đức, văn học, giá trị văn hóa, tư tưởng vượt thời đại và vấn đề phát huy những di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Bác sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Thị Hoa với tham luận “Y khoa hiện đại học gì từ những di sản của Hải Thượng Lãn Ông”; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tham luận "Kiểu tác giả văn sĩ - nho sĩ - thầy thuốc Lê Hữu Trác trong “Thượng kinh ký sự”; PGS.TS Trần Văn Thanh (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) tham luận "Khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua sự kiện UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân Văn hóa và sự trở mình của nền y học cổ truyền nước nhà". Hội thảo còn nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học nước ngoài, người Việt Nam sinh sống, làm việc tại nước ngoài, như: Thạc sĩ Nguyễn Thị Sông Hương (Ban Nghiên cứu và Đổi mới, trường Đại học Sorbonne Université, Cộng hòa Pháp) tham luận "Dịch thuật và nghiên cứu về Lê Hữu Trác, nhìn dưới góc độ mỹ học tiếp nhận"; nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Thị Oanh và GS MAYANAGI Makoto (Trường Đại học Ibaraki, Nhật Bản), tham luận "Nghiên cứu so sánh định lượng thư tịch Y học cổ các nước khu vực đồng văn"…

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tổng kết, bế mạc hội thảo

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tổng kết, bế mạc hội thảo

Bế mạc hội thảo, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, Hội thảo đã thành công tốt đẹp với các ý kiến tham luận tại hội thảo là những tài sản hết sức quý giá để tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Từ đó phát triển nền y học cổ truyền và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm số hóa di sản Hải Thượng Lãn Ông, thuận lợi trong việc lưu trữ và nghiên cứu; xây dựng bảo tàng và không gian văn hóa Lê Hữu Trác gắn với quảng bá, giới thiệu những thành tựu nổi bật của Đại danh y, tạo cơ sở để ứng dụng y học cổ truyền vào y học hiện đại. Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề mới liên quan tới dịch thuật và chuyển ngữ các công trình của Hải Thượng Lãn Ông sang nhiều ngôn ngữ nhằm giới thiệu, quảng bá những thành tựu của nền y học Việt Nam với thế giới, tôn vinh một nhân cách lớn, biểu tượng của y đức trong văn hóa phương Đông.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

                                                                       Theo: Đào Doan – Lê Hiếu - Báo Hưng Yên






TIN BÀI LIÊN QUAN