Mùa xuân, mùa của tết đoàn viên sum họp cũng là mùa của lễ hội. Cứ mỗi độ xuân về, hàng loạt các lễ hội lớn nhỏ tưng bừng diễn ra khắp nơi trên cả nước. Lễ hội là nét văn hóa độc đáo từ xa xưa của người Việt, là minh chứng cho nét đẹp văn hóa ngàn đời của cha ông ta.
Về với Hưng Yên dịp đầu xuân, du khách không chỉ được tham quan, tìm hiểu vể các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn được chiêm bái những lễ hội văn hóa đặc sắc. Ai đã từng đi trẩy hội ở Hưng Yên hay mới chỉ nghe thôi cũng thấy ấm lòng với bao huyền thoại, truyền thuyết và những trò chơi dân gian, những câu hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa quê hương.
Một nơi không chỉ người Phố Hiến, người con của Hưng Yên xa xứ mà ngay cả những du khách đã từng nghe, từng ghé một lần đều nhớ trong mỗi dịp đầu xuân năm mới, đó là Lễ hội đầu xuân tại Văn Miếu Xích Đằng (Phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên). Lễ hội diễn ra từ mùng 4 đến mùng 5 Tết, tại đây diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh nền học vấn gắn với nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng quê văn hiến Hưng Yên: triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ, xin chữ,…
Hội Làng Nôm được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng, du khách thập phương trở về làng Nôm, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên để tham dự ngày hội làng và hòa mình vào không gian độc đáo, êm đềm mang đậm nét của làng quê Việt Nam. Tại lễ hội bạn có thể thưởng thức khung cảnh hữu tình hát Quan họ du thuyền trên ao làng, vãn cảnh Chùa Nôm, thỉnh Phật, Thánh cầu bình an, xin quẻ may mắn đầu năm.
Hội làng Nôm
Lễ hội lớn là lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11-15 tháng Giêng tại xã Phù Ủng huyện Ân Thi, nhằm tưởng nhớ tới tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng thời nhà Trần đã có công lớn trong việc chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Đến đây, du khách sẽ được tham gia phần lễ với các nghi thức trang trọng, cùng chơi các trò chơi đặc sắc như vật cù, nhảy mô đống, chọi gà,…
Lễ hội đền Phù Ủng
Cũng trong ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (ở thôn Liêu Xá, Liêu Xá, Yên Mỹ) diễn ra lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị đại danh y, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta. Nhân dân cùng những người công tác trong ngành y khắp nơi trong và ngoài tỉnh lại tề tựu về dự lễ hội truyền thống cầu cho bản thân và gia đình sức khoẻ, bình an. Thu hút đông đảo mọi người tham gia là các trò chơi dân gian truyền thống như múa Kì lân, chọi gà, cờ tướng,…
Mong ước tìm đến một tình yêu đẹp, thuỷ chung son sắt và linh thiêng như huyền thoại Chử Đồng Tử – Tiên Dung, du khách hãy tìm về thăm đền Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch ( ở hai xã Bình Minh và Dạ Trạch huyện Khoái Châu) để tham dự lễ hội mà dân gian vẫn truyền gọi là ” Lễ hội tình yêu”. Lễ hội diễn ra từ ngày 10-12/2 âm lịch để tưởng nhớ tới tình yêu bất tử, nhớ tới công lao dạy dân biết làm ăn, buôn bán, chữa bệnh cứu dân. Du khách sẽ được hòa mình vào đoàn rước kiệu ra sông Hồng, chìm đắm trước điệu hát Trống quân, say mê với điệu múa ” Đĩ đánh bồng” cùng nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: bịt mắt bắt dê, đập nồi đập niêu, cờ người,…
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung
Đầu năm cầu lộc, cầu tài, cầu cho ngân khố đong đầy thì du khách nên tham dự lễ hội đền Bà Chúa Kho diễn ra từ ngày mùng 1-3/3 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa như: Lễ dâng hương; tế nam, nữ; cùng các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, tổ tôm… thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham gia.
Nét độc đáo phải kể đến là lễ hội văn hoá dân gian Phố Hiến, là chuỗi những lễ hội được tổ chức trong không gian văn hoá Phố Hiến cổ xưa tại các di tích lịch sử đền Mẫu, đền Trần, đình – chùa Hiến, đền Thiên Hậu, chùa Chuông, Văn Miếu…Đây là lễ hội lớn với sự tham gia của 12 xã, phường thuộc thành phố Hưng Yên được tổ chức từ ngày mùng 6-8/3 âm lịch. Phần lễ đặc sắc mang đậm nét văn hoá quê hương Hưng Yên văn hiến như: phần rước kiệu có hàng nghìn người tham gia, đoàn rước kéo dài qua các tuyến phố chính và các đền, chùa, miếu của Thành phố Hưng Yên. Phần hội bảo lưu nhiều yếu tố văn hoá bản địa với nhiều trò chơi dân gian cổ như: đi cầu kiều, đua thuyền, thả đèn trời,…các hoạt động này phần nào giúp du khách mường tượng về cảnh tấp nập của Phố Hiến thời hưng thịnh.
Lễ hội văn hóa dân gian vùng Phố Hiến
Một mùa lễ hội mới đã về trên khắp nẻo đường làng quê Việt Nam, gõ cửa vào trong từng mái ấm gia đình. Trong không khí ấm áp đầu xuân, bạn nên lựa chọn cho mình những nơi thật ý nghĩa để cầu an, cầu lộc, cầu phúc, cầu tài.