Trong ngày hội, các con đĩ đánh bồng đi cùng đoàn rước từ các làng hội tụ về đền chính. Đoàn rước bề thế, long trọng, còn con đĩ đánh bồng thì cợt nhả, đôi lúc gây trò “chọc ghẹo” mọi người. Các con đĩ đánh bồng mặt hoa da phấn, vận áo tứ thân, váy đụp, khăn mỏ quạ, đeo trống cơm được sơn màu đỏ trước ngực, cài bông tai, đeo vòng, say sưa với những động tác mềm mại, linh hoạt theo nhịp trống hội.
Mỗi làng trong Tổng Mễ có một đội múa con đĩ đánh bồng, những bài múa cổ được lưu truyền để diễn trong đoàn rước. Tuy nhiên, mỗi làng có cách trang điểm, ăn vận cho con đĩ đánh bồng khác nhau và cũng có những động tác sáng tạo thêm để cho con đĩ đánh bồng đa sắc thái, đa biểu cảm hơn. Các chàng trai được chọn múa điệu này phải đảm bảo nhiều điều kiện: là trai tân, được bà con làng xóm yêu quý. Nhiều chàng trai “e thẹn” hoặc không kiên trì, không thể tập múa con đĩ đánh bồng được. Nhận được vai trò đóng vai con đĩ đánh bồng là cả vinh hạnh lớn cho các chàng trai và gia đình của họ. Họ ra sức tập luyện, tham khảo từng động tác, từng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt, nụ cười, để làm sao càng toát lên được thần thái giống với thiếu nữ đôi mươi.
Người đi xem hội ai cũng mong chờ tới tiết mục của đội múa con đĩ đánh bồng, nhưng ít ai quan tâm tới nguồn gốc và vị trí của điệu múa này trong các nghi lễ truyền thống. Dân gian truyền miệng từ rất lâu rồi, các quan võ và binh lính ra trận đánh giặc nơi chiến trường cực khổ, đã sáng tạo ra điệu múa này để khích lệ tinh thần binh sĩ, giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà và có thêm ý chí giết giặc. Do doanh trại toàn đàn ông con trai, không có phụ nữ, nên những chàng trai trắng trẻo vận quần áo phụ nữ, giả gái diễn trò mua vui cho anh em. Họ sáng tạo ra những điệu múa dựa trên những hoạt động thường ngày, dựa trên cuộc sống lao động của thôn quê, như nhịp cấy lúa, nhịp tát nước, nhịp chơi các trò chơi… Sau, điệu múa này được đưa vào trong cung đình nhân dịp mừng thắng trận, đưa vào tế lễ trong các đình, đền. Ngày xưa, quan niệm phụ nữ không được bước vào chốn đình chung nên chỉ tuyển chọn nam nhân múa điệu này. Dân gian có câu “ lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”, những chàng trai hóa thân thành gái thể hiện thành công sự lẳng lơ, cứ đưa tình, cứ ve vãn những thanh niên rước kiệu, rước cơ, gây tiếng cười thoải mái cho khách trẩy hội và diễn tả lại đời sống của ông cha, đóng góp chút công sức trong xây dựng và bảo tồn vốn có. Từ một điệu múa mua vui, múa con đĩ đánh bồng được đưa vào một phần của các nghi thức tế lễ để hầu Thánh.
Điệu múa con đĩ đánh bồng bắt nguồn từ đời sống dân gian, mang tính giải trí trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong lễ hội Chử Đồng Tử. Dù có đi đến nơi đâu xa xôi, người con của Tổng Mễ cũng nhớ về ngày hội quê hương, cũng tự hào về lễ hội Chử Đồng Tử với nhiều nét đặc sắc, đặc biệt là có điệu múa con đĩ đánh bồng, họ luôn hy vọng mỗi dịp xuân về sẽ được hòa mình vào âm sắc náo nhiệt, tưng bừng trong lễ hội tình yêu.
TTTTXTDLHY