1. Cây đa - sanh- si đền Mẫu, Phường Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên
Du khách khi có dịp về lễ cầu và vãn cảnh đền Mẫu sẽ được chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của 3 thân cây tụ lại thành một kỳ quan do bàn tay mẹ thiên nhiên tạo thành thế kiềng 3 chân vững chãi. Cây đa - sanh - si đền Mẫu được coi là " linh thụ" tạo nên sự uy nghi, trầm mặc cho di tích. Trải qua gần 800 năm, với sự hiện hữu trường tồn cho đến ngày nay, sức sống của cây quả là phi thưòng và bền bỉ.
2. Cây đa đền Mây, phường Sơn Nam, tỉnh Hưng Yên
Trước cửa đền Mây thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, một vị tướng tài ba của nước ta trong thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ, thế kỷ thứ X có cây đa cổ thụ niên đại gần 1000 năm tuổi. Cây đa sừng sững, lớp vỏ sần sùi, bộ rễ dài loà xoà thả xuống kết thành từng chùm, tán lá xum xuê, xoè rộng như một chiếc ô xanh khổng lồ. Với vẻ uy nghi, tĩnh mặc của khuôn viên đền, nơi đây đã từng nổi tiếng với câu ca: "Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh đò Mây".
3. Cây đa La Tiến, xã Tống Trân, tỉnh Hưng Yên
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân giặc chiếm đóng lập bốt La Tiến đã giết hại 1145 đồng bào, chiến sỹ của ta. Với ký ức đau thương đó, cây đa La Tiến có niên đại hơn 200 năm tuổi đã chứng kiến sự tàn độc của thực dân Pháp khi chúng dùng sự tra tấn như thời Trung cổ đối với dân ta. Chính vì vậy người già thường gọi đó là cây đa căm thù, là chứng nhân lịch sử của sự mất mát đau thuơng khi những cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh đấu tranh cho nền độc lập nước nhà.
4. Cây đa Sài Thị, xã Chí Minh, tỉnh Hưng Yên
Cây đa Sài Thị là minh chứng sống động, chân thực về hoạt động của Chi bộ đảng Sài Thị -Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Khoái Châu (xưa) và cũng là của tỉnh Hưng Yên. Đây là giống đa tròn lá, cây to chừng ba người ôm, có thế đứng vững chãi. Tại gốc đa, một nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống cùng vườn hoa thanh niên đã được hoàn thành nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Sau thăng trầm của thời gian, những cây đa cổ thụ đã và đang là linh hồn của làng quê, của di tích lịch sử. Từ bao đời nay, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình in sâu vào tâm thức người Việt. Với người dân Hưng Yên, sự trường tồn của những cây đa di sản, là minh chứng sống cho những giá trị về mặt tâm linh; tinh thần kiên trung, bất khuất. Đó còn là niềm tự hào là địa chỉ đỏ nhắc nhở thế hệ sau trân quý bốn chữ vàng: Độc lập - Tự do.
Huyền Trang - TTTTXTDL