Tự hào 58 năm Du lịch Việt Nam: Hành trình và mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày đăng: 16/01/2018
Lịch sử phát triển du lịch Việt Nam được chính thức đánh dấu từ ngày 09/7/1960 với sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26/ CP của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương. Từ đó đến nay, ngành […]

Lịch sử phát triển du lịch Việt Nam được chính thức đánh dấu từ ngày 09/7/1960 với sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26/ CP của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương. Từ đó đến nay, ngành Du lịch đồng hành cùng đất nước, đạt được những thành tựu quan trọng.
Trước khi thống nhất đất nước, ngành Du lịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đón tiếp các vị lãnh đạo, chuyên gia và bạn bè quốc tế, xây dựng nên những cơ sở ban đầu của ngành Du lịch, bao gồm các khách sạn, công ty du lịch ở một số địa phương ở miền Bắc. Sau ngày thống nhất, hệ thống doanh nghiệp, cơ sở vật chất ngày càng phát triển, mở rộng trong cả nước, tiếp tục đóng góp tích cực trong việc phục vụ nhu cầu của cán bộ, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Du lịch có nhiều điều kiện phát triển. Giai đoạn 1990 – 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, tăng trung bình 16%/năm. Khách du lịch nội địa tăng mạnh, đặc biệt trong giai đoạn 2010 – 2017 tăng 2,6 lần, trung bình 15%/năm. Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, năng lực cạnh tranh quốc tế ngày càng cao, nhất là ở các địa bàn du lịch trọng điểm. Du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp ngày càng quan trọng vạo sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhận thức của xã hội về du lịch chuyển biến rõ rệt.
Năm 2017, du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận: đón hơn 12,92 triệu khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tăng 18,1%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 541.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp của ngành Du lịch ước đạt 7,9% GDP. Hệ thống doanh nghiệp du lịch ngày càng phát triển, đến nay cả nước có gần 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và hơn 25.600 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 550.000 buồng, trong đó hạng cao cấp (từ 3 sao đến 5 sao) có gần 900 cơ sở với hơn 100.000 buồng. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch với trên 21.000 người được cấp thẻ, trong đó có gần 13.000 hướng dẫn viên quốc tế và trên 8.000 hướng dẫn viên nội địa.
Năm 2017 cũng là năm có nhiều dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử ngành Du lịch: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch 2017. Những thành tựu và dấu ấn của Du lịch Việt Nam đã được các cơ quan, tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới năm 2017. Bên cạnh các giải thưởng dành cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Giải thưởng Golf châu Á 2017 bình chọn Việt Nam là “Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2017”; Hiệp hội phóng viên du lịch Thái Bình Dương bình chọn Việt Nam là “Điểm đến đang nổi đối với du lịch sang trọng”.
Những thành tựu trên có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đó cũng là kết quả của cả chặng đường dài phát triển với sự đóng góp của các thế hệ cán bộ và người lao động trong ngành Du lịch cùng với sự phối hợp chặt chẽ, ngày càng hiệu quả của các Bộ, ngành, sự năng động sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp cả nước và các địa phương, các hoạt động xúc tiến quảng bá và giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa, thể thao giữa Việt Nam với các nước.
Hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Những thành tựu của ngành Du lịch nói trên là rất quan trọng, tuy nhiên đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, chưa tương xứng với tài nguyên, tiềm năng mà chúng ta đang có cũng như kỳ vọng của xã hội, còn thua kém các nước trong khu vực. Ngành Du lịch còn phải vượt qua rất nhiều thách thức, khắc phục các hạn chế, yếu kém ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian dài, đồng thời phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng trước yêu cầu phát triển bền vững.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2017, du lịch Việt Nam xếp hạng 67 trên 136 nền kinh tế, sau Singapore (hạng 13), Malaysia (hạng 26), Thái Lan (hạng 34), Indonesia (hạng 42); xếp trên Philippines (hạng 79), Lào (hạng 94), Campuchia (hạng 101). Việt Nam còn xếp hạng thấp về mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh (hạng 116), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), chi tiêu Chính phủ cho ngành Du lịch (hạng 114), mức độ toàn diện của các dữ liệu liên quan đến du lịch (hạng 116) và chiến lược thương hiệu quốc gia (hạng 107).
Hiện nay còn có nhiều điểm nghẽn hạn chế sự phát triển du lịch, nhất là về chính sách thị thực nhập cảnh, hạ tầng sân bay đường bộ và đường hàng không, công tác xúc tiến quảng bá, quản lý điểm đến. Bản thân ngành Du lịch còn có những yếu kém, nhất là tình trạng kinh doanh du lịch chui, hướng dẫn viên du lịch trái phép, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiêu chuẩn dịch vụ chưa đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, kiểm soát chất lượng chưa hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra các mục tiêu đối với ngành Du lịch như sau:
Một là, đến năm 2020 đón 17 – 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ đô-la Mỹ, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ đô-la Mỹ.
Hai là, góp phần giải quyết các vấn đề lớn về việc làm và văn hóa-xã hội, đến năm 2020 tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp, góp phần thực hiện các mục tiêu khác về văn hóa, đối ngoại…
Ba là, lan tỏa, thúc đẩy sư phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác.
Nghị quyết cũng chỉ rõ 08 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới với nhiều nội dung vừa mang tính chỉ đạo định hướng, vừa mang tính tháo gỡ vướng mắc tồn tại từ nhiều năm để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, bao gồm: (1) Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; (3) Hòan thiện thể chế, chính sách; (4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; (5) Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; (6) Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; (7) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; (8) Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Năm 2018, ngành Du lịch phát triển dựa trên nền tảng mới với nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi. Chủ trương, chính sách, quy định pháp luật đã tương đối đồng bộ. Các động lực tạo đà cho sự phát triển từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn đang tiếp tục hình thành và phát triển tích cực. Việt Nam ngày càng liên kết chặt chẽ với khu vực và quốc tế, ở vị trí kết nối thuận tiện trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động. Hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn, chất lượng đã được biết đến rộng rãi trên thế giới.
Năm 2018, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng khoảng 25% so với năm 2017; phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 9% so với năm 2016; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016. Để đạt được mục tiêu và giải quyết các vấn đề đặt ra, du lịch Việt Nam đang tập trung vào các nhóm nhiệm vụ sau đây:
Một là, thực hiện các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, tập trung vào hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác công-tư, liên kết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong phát triển du lịch.
Hai là, đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Luật Du lịch 2017 vào cuộc sống.
Ba là, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, tập trung vào quản lý điểm đến, kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Chúng ta tin tưởng rằng, với nền tảng và đà tăng trưởng đã tạo ra trong thời gian qua cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự năng động, sáng tạo của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, ngành Du lịch sẽ hòan thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày thành lập ngành Du lịch, thay mặt Tổng cục Du lịch, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; cảm ơn sự hợp tác của các Bộ, ngành và các địa phương; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đối với phát triển của ngành Du lịch trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, ủng hộ, hợp tác sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhân dịp này, tôi cũng xin trân trọng gửi lời cảm ơn và tri ân đến các thế hệ những người làm du lịch, nhất là các doanh nhân, cán bộ, công chức, người lao động đang trực tiếp làm việc trong ngành về những nỗ lực lao động, sáng tạo, vượt qua các thách thức, khắc phục khó khăn, đóng góp cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam thời gian qua.
Chúc các đồng chí và các bạn sức khỏe, thành công! Chúc ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Nguồn vietnamtourism.gov.vn






TIN BÀI LIÊN QUAN