Tổng cục Du lịch chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai những quyết sách quan trọng giúp du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Ngày đăng: 07/07/2022
Lịch sử 62 năm hình thành và phát triển, chưa bao giờ du lịch Việt Nam phải đối mặt với khó khăn, thách thức nghiêm trọng như đại dịch Covid-19. Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu, đề xuất Bộ VHTTDL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khó khăn và hồi phục trở lại.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh thông tin về mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Ảnh: TITC

Ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách

Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu với diễn biến hết sức phức tạp, là biến cố chưa từng có đối với thế giới cũng như du lịch Việt Nam. Hoạt động đón khách du lịch quốc tế tại Việt Nam bị tạm dừng từ cuối tháng 3/2020, trong khi du lịch nội địa hoạt động thiếu ổn định do ảnh hưởng của các đợt dịch bùng phát ở trong nước.

Trong bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành các văn bản yêu cầu, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, cộng động và người lao động trong đơn vị.

Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã triển khai các giải pháp công nghệ để hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh. Tiêu biểu là hình thành nền tảng hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 theo quy định của Bộ VHTTDL. Đưa vào sử dụng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn hỗ trợ khách du lịch trong tình hình mới với các tính năng nổi bật như: bản đồ số du lịch an toàn, tìm kiếm điểm đến an toàn, đánh giá về mức độ an toàn của cơ sở dịch vụ, phản ánh chất lượng dịch vụ… cùng nhiều tiện ích công nghệ hỗ trợ du lịch trong quá trình đi du lịch ở Việt Nam.

Sau mỗi lần các đợt dịch được kiểm soát ở trong nước, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành du lịch.

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch khắc phục khó khăn trong dịch bệnh

Đại dịch Covid-19 đã làm “đóng băng” hoạt động du lịch, có thời điểm khiến cho 90%-95% doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng hoạt động, rất nhiều lao động phải chuyển nghề. Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho ngành du lịch, góp phần quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành khắc phục khó khăn, giảm thiểu thiệt hại. Trong đó có các chính sách như: giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian hoàn trả ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành (từ 60 ngày xuống 30 ngày), giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch được hưởng mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người. Hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch trực tiếp tham gia phòng chống dịch và bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tính đến cuối năm 2021, đã có 562 doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế được giảm phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành với số tiền được giảm là 758 triệu đồng; 15.792 hồ sơ hướng dẫn viên đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng số tiền trên 58 tỷ đồng.

Từ đề xuất cho phép triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế…

Từ cuối năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế để sẵn sàng triển khai ngay khi hội đủ các điều kiện cho phép. Kế hoạch này cũng thường xuyên được xem xét, điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.

Tháng 6/2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc “Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang”, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thông qua hộ chiếu vắc xin vào Phú Quốc (Kiên Giang), báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ.

Khi dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát tốt, tháng 10/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tận dụng cơ hội thuận lợi đó, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” tại 5 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Mặc dù, thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến chưa dài, lượng khách du lịch quốc tế chưa nhiều, tuy nhiên những kết tích cực bước đầu đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành Du lịch Việt Nam.

…cho đến đề xuất mở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022

Bước vào năm 2022, điều kiện đã chín muồi khi nước ta là 1 trong 6 quốc gia có mức độ tiêm phòng Covid-19 cao nhất trên thế giới. Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm quý báu thu được từ giai đoạn thí điểm, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã đề xuất mở lại toàn bộ hoạt động du lịch nội địa và quốc tế từ ngày 15/3/2022. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ cao của các các bộ ngành liên quan, sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành.

Trên cơ sở đó, ngày 16/2/2022 Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 43/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3/2022.

Để triển khai mở lại du lịch, Tổng cục Du lịch đã làm việc với các cơ quan liên quan, xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành phương án số 829/PA-BVHTTDL về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Trong phương án đề cập đồng bộ đến việc mở lại hoạt động du lịch nội địa, du lịch quốc tế đến và du lịch ra nước ngoài.

Ngay sau khi mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp tổ chức hàng loạt hoạt động, sự kiện nổi bật để định hướng cho việc khởi động lại hoạt động du lịch trên toàn quốc.

Chính sách mở cửa du lịch cởi mở nhất trong khu vực

Với nỗ lực của Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành liên quan, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Từ 15/2/2022, hàng không Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế thường lệ đến các nước. Từ 15/3/2022, chính sách xuất nhập cảnh được khôi phục như khi chưa có dịch; khôi phục chính sách miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kiểm soát y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất dành cho khách du lịch quốc tế: (1) Không yêu cầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19; (2) Không yêu cầu cách ly y tế khi nhập cảnh; (3) Không yêu cầu khai báo y tế Covid-19 đối với khách nhập cảnh; (4) Tạm dừng việc xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh.

Vừa qua, Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel + Leisure khi vinh danh 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh trong tốp 10 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á đã bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Việt Nam đã mở cửa du lịch hoàn toàn trở lại và đang ngày càng phục hồi mạnh mẽ. Không ai có thể nghĩ rằng, chỉ một năm trước đất nước này còn đang đóng cửa cách ly, giờ đây đã có thể chào đón du khách quốc tế mà không cần trải qua bất kỳ bước xét nghiệm hay cách ly y tế nào. Cùng với đó, du lịch nội địa cũng đang tăng cao bởi nhu cầu du lịch của người dân sau 2 năm đại dịch”.

Với những nỗ lực vượt bậc nhằm ứng phó với dịch bệnh và tái thiết ngành du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đạt được danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2021” theo bình chọn của tổ chức Giải thưởng World Travel Awards - được coi là giải Oscar của ngành du lịch thế giới.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự chủ động, trách nhiệm và hiệu quả của Tổng cục Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp,  ngành du lịch Việt Nam đã dần vượt qua khó khăn, thách thức, bước vào giai đoạn phục hồi nhanh chóng và lấy lại đà tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đáp ứng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam






TIN BÀI LIÊN QUAN