Tới dự chương trình có: Ông Phạm Văn Hiệu – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh; ông Đoàn Văn Hoà – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hưng Yên; Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh; các đồng chí uỷ viên BCH Hiệp hội du lịch tỉnh; hiệp hội du lịch các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương cùng các phóng viên, báo đài đến đưa tin.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận để đưa ra những giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Hưng Yên trong điều kiện bình thường mới. Các đại biểu đã chỉ ra những chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện tiếp cận cho du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch và dịch vụ gia tăng giá trị cho điểm đến.
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn chia sẻ: Hưng Yên cần chú trọng xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần đầu tư, xây dựng những tour du lịch nông nghiệp trải nghiệm giúp cho khách du lịch cảm nhận sự đổi mới trong thời kỳ hội nhập nhưng vẫn bảo tồn, lưu giữ được những nét đẹp, sự thanh bình của làng quê thuần Việt, đồng thời hoà mình vào nếp sống của người dân (như mô hình tham quan trải nghiệm làng nghề trồng hoa, cây cảnh Văn Giang; trải nghiệm trang trại trồng dưa lưới, rau sạch…); Khai thác phát triển sản phẩm du lịch chủ lực dựa trên thế mạnh tài nguyên du lịch, đặc biệt chú trọng phát triển điểm du lịch quốc gia Phố Hiến, khai thác phát triển du lịch cộng đồng tại các khu, điểm di tích gắn với du lịch nông trại trồng nhãn, cam, bưởi, vải…; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác du lịch; Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật;….
Đại diện công ty du lịch Maia chia sẻ: công ty đã và đang khai thác phát triển du lịch học đường ở các điểm di tích gắn với trải nghiệm thực tế tại di tích và vườn nhãn, làng nghề; dựng bối cảnh tái hiện lại nếp nhà xưa, góc check in, làm stem từ lá nhãn, học sinh được trải nghiệm ghi lại dòng tâm sự Hưng Yên qua lăng kính trên lá nhãn bên cạnh đó luôn quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên,…
Trung tâm TTXTDL tỉnh có ý kiến tham luận: Hưng Yên là tỉnh có tiềm năng du lịch tâm linh, nơi lưu giữ hơn 1800 di tích lịch sử văn hoá, trong đó nổi bật có 3 di tích quốc gia đặc biệt: khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, chùa Thái Lạc, đền An Xá, 6 bảo vật quốc gia cùng nhiều làng nghề truyền thống, gần 500 lễ hội truyền thống, nổi tiếng với rất nhiều đặc sản hấp dẫn. Đó là những lợi thế để khai thác phát triển du lịch tỉnh nhà. Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, số lượt khách du lịch nội địa trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đạt 120.000 lượt; doanh thu từ dịch vụ lữ hành 35 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 35%. Để thu hút khách du lịch nội địa và du lịch quốc tế đến với Hưng Yên thì việc xây dựng sản phẩm du lịch theo thế mạnh tài nguyên du lịch là rất quan trọng và cần thiết. Ưu tiên xây dựng các mô hình nông nghiệp, du lịch cộng đồng phù hợp với các địa phương gắn liền với các khu, điểm di tích hấp dẫn. Hy vọng trong thời gian tới, Hưng Yên sẽ có các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú hơn.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với lãnh đạo tỉnh triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để du lịch Hưng Yên phát triển bền vững.
TTTTXTDL