Tập trung 4 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế trong 6 tháng cuối năm

Ngày đăng: 16/01/2018
Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam đón nhận kết quả ấn tượng với việc đón trên 6,2 triệu lượt khách quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 30% lượng khách quốc tế, đạt ít nhất 13 triệu lượt, Tổng cục Du lịch đã đề xuất 4 nhóm […]

      Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam đón nhận kết quả ấn tượng với việc đón trên 6,2 triệu lượt khách quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 30% lượng khách quốc tế, đạt ít nhất 13 triệu lượt, Tổng cục Du lịch đã đề xuất 4 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế trong những tháng cuối năm.

Tổng cục Du lịch quảng bá du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế KOTFA 2017, Hàn Quốc

Hoàn thiện số liệu báo cáo thống kê khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ và đường biển là giải pháp nhằm tính toán chính xác số liệu khách quốc tế đến Việt Nam. 

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường khách du lịch còn dư địa và có khả năng tăng trưởng mạnh, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ các thị trường truyền thống. Trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển so với năm 2016, đồng thời căn cứ số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch dự báo năm 2017, ngành Du lịch có thể đón trên 13 triệu lượt khách, tăng khoảng 30% so với năm 2016.

Theo đó, để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Du lịch xác định các nhóm thị trường còn dư địa và có khả năng tăng trưởng mạnh gồm: thị trường có chung đường biên giới đường bộ (Trung Quốc, Lào, Campuchia); thị trường gần (các quốc gia trong khối ASEAN); thị trường gần có quy mô lớn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan); thị trường xa có tiềm năng tăng trưởng cao (châu Âu, Nga, Úc, Niuzilân, 5 nước Tây Âu đang được Việt Nam miễn thị thực). Trong quý III năm 2017, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động như tổ chức chương trình Roadshow, đón đoàn doanh nghiệp và báo chí khảo sát du lịch, tăng cường hợp tác quốc tế tại các thị trường trọng điểm này.

Tăng cường công tác quản lý điểm đến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tổng cục Du lịch sẽ làm việc với các địa phương có cửa khẩu biên giới đường bộ, các địa phương là điểm đến hấp dẫn khách quốc tế như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang… Từ đó giúp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đón thêm khách quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự an toàn xã hội.

Tổng cục Du lịch cũng đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: phát triển du lịch văn hóa gắn với thiên nhiên và du lịch thành phố; khai thác giá trị của nghệ thuật biểu diễn gắn với các nhà hát và cộng đồng địa phương; đổi mới hoạt động của bảo tàng và di tích lịch sử; đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực…

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch đề nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan hữu quan; phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hiệp hội du lịch vùng, địa phương và hội nghề nghiệp để triển khai chiến dịch kích cầu du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tăng cường kết nối với hàng không: để nâng cao năng suất hoạt động của các cảng hàng không quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không và cảng hàng không khẩn trương triển khai mở rộng các đường bay quốc tế và nội địa, phối hợp và thống nhất hành động các biện pháp thu hút đông đảo khách quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ khách.

Với các nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực và khả thi, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về phát triển du lịch, ngành Du lịch trong 6 tháng cuối năm kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng 30% so với năm 2016, đón ít nhất 13 triệu lượt khách quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 7,19% của khu vực dịch vụ và tăng trưởng 6,7% GDP năm 2017.

www.vietnamtourism.gov.vn/

 






TIN BÀI LIÊN QUAN