NÓN LÁ LÀNG MÃO CẦU

Làng Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi nổi tiếng với làng nghề làm nón lá. Nón lá Mão Cầu không nổi tiếng như nón lá Huế hay nón lá làng Chuông nhưng về Hưng Yên bạn muốn mua một chiếc nón chắc chắn, bền đẹp với đường kim mũi chỉ được […]

         Làng Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi nổi tiếng với làng nghề làm nón lá. Nón lá Mão Cầu không nổi tiếng như nón lá Huế hay nón lá làng Chuông nhưng về Hưng Yên bạn muốn mua một chiếc nón chắc chắn, bền đẹp với đường kim mũi chỉ được khâu cẩn thận thì không ở đâu lựa chọn hoàn hảo hơn làng đan nón Mão Cầu.
Nón lá là hình ảnh bình dị, thân quen gắn liền với tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Từ xưa đến nay, nhắc đến Việt Nam du khách nước ngoài vẫn thường trầm trồ khen ngợi hình ảnh chiếc nón lá – tượng trưng cho sự thanh tao của người phụ nữ Việt. Nón lá đã đi vào 
ca dao, dân ca và làm nên văn hóa tinh thần lâu đời của dân tộc.
Như vậy mới thấy được rằng nón lá là biểu tượng cho sự dịu dàng, bình dị, thân thiện của người phụ nữ Việt từ ngàn đời nay. Chiếc nón lá có từ rất lâu đời và cho đến ngày hôm nay chiếc nón ấy vẫn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt, đặc biệt là những người phụ nữ.

Nghề đan nón lá ở làng Mão Cầu có từ khi nào thì người trong làng không ai còn nhớ rõ. Chỉ biết rằng từ những đứa bé 7, 8 tuổi đã được bố mẹ, ông bà dạy cho cách khâu nón. Từ đầu làng, qua những khóm tre là đã thấy người dân từ già trẻ, gái trai đang tụ nhau ngồi làm nón, vừa làm vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện đời thường thú vị, tạo không khí hăng say miệt mài trong công việc. Cùng với những giá trị trong đời sống thường nhật và những giá trị văn hóa của những chiếc nón lá mà làng nghề đan nón Mão Cầu vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Để tạo ra một chiếc nón hoàn chỉnh và đẹp không đơn giản chút nào. Nón làng Mão Cầu nhìn thì đơn giản nhưng đòi hỏi người làm phải rất công phu, tỉ mỉ.  Vật dụng làm nón gồm lá, chỉ và khung nón. Lá là chất liệu quan trọng làm nên chiếc nón được lấy từ hai loại cây giống như cây cọ, mọc ở những vùng đồi núi. Với loại lá non còn búp, chưa xòe ra hẳn, người ta cắt về phơi khô hai đến ba nắng, rồi đem ủi phẳng. Khi ủi phải dùng khăn nhúng nước, hơ trên lửa cho nóng trước khi chà nhẹ lên lá cho thẳng. Các vòng tròn nhỏ dần đến chóp nón tạo ra khung nón. Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất bởi nó quyết định đến độ tròn và sự bền chắc của một chiếc nón. Khung nón làm bằng tre ngâm kỹ vừa dẻo dai lại rắn chắc, gồm 16 vành. Ðây được coi là công thức bắt buộc đã chọn lọc phù hợp với thực tế thông qua bao đời người thợ làm nón Mão Cầu.
          Chiếc nón lá từ lâu đã làm tăng thêm vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt. Cùng với tà áo dài truyền thống, chiếc nón ấy sẽ bền vững với thời gian. Làng Mão Cầu thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho mỗi hành trình về Hưng Yên, bởi ở nơi ấy ai đó vẫn ngóng chờ:

Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”

                                                                                                                        ( Nguyễn Khoa Điềm)

   TTTTXTDLHY

 
 
 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN