Luật Du lịch 2017: Yếu tố mới tạo động lực cho du lịch phát triển

Ngày đăng: 16/01/2018
Thực tiễn hơn 10 năm triển khai Luật Du lịch 2005 rút ra nhiều bài học quý, có những yếu tố tích cực có tính chất mở đường cho du lịch phát triển nhưng đồng thời cũng nảy sinh không ít những vấn đề gây trở ngại tạo ra những rào cản. Điều đó […]

       Thực tiễn hơn 10 năm triển khai Luật Du lịch 2005 rút ra nhiều bài học quý, có những yếu tố tích cực có tính chất mở đường cho du lịch phát triển nhưng đồng thời cũng nảy sinh không ít những vấn đề gây trở ngại tạo ra những rào cản. Điều đó cho thấy khuôn khổ thể chế đã không đáp ứng kịp nhu cầu và xu thế phát triển du lịch. Vì vậy, những tư tưởng đổi mới trong Nghị quyết 92/NQ-CP, ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới và Nghị quyết số 8/NQ-TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được tiếp thu và thể chế hoá trong Luật Du lịch sửa đổi mà Quốc hội đã thông qua ngày 19/6/2017. Những yếu tố mới có độ cởi mở cao được hướng dẫn triển khai đồng bộ với sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ khơi dậy tiềm lực, tạo đà kích thích du lịch phát triển bứt phá trong giai đoạn tới.

Trước hết là sự tôn trọng các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường được thể hiện rõ trong Luật. Theo đó, Luật điều chỉnh các mối quan hệ gắn với du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, mang tính liên ngành, liên vùng, hội nhập sâu rộng và xã hội hóa cao. Yếu tố kinh tế với quy luật giá trị đặt lợi ích làm hạt nhân và quan hệ «chi phí-lợi ích» làm nền tảng từ đó tạo ra động lực theo đuổi mục tiêu cho các chủ thể. Quan điểm này tạo ra sân chơi bình đẳng, sòng phẳng và nghiệt ngã theo quy luật cạnh tranh. Khuynh hướng cạnh tranh lành mạnh dựa vào chất lượng, hiệu quả, thương hiệu và chi phí hợp lý sẽ trở nên nổi trội. Ngược lại, kiểu cạnh tranh chộp dựt, ăn sổi ở thì dựa trên phương thức chi phí tối thiểu, tour giá rẻ sẽ dần bị thay thế, đào thải.

Thứ hai, yếu tố mới có tính hạt nhân là việc xác định khách du lịch là trung tâm sẽ tạo ra cơ chế hướng Cầu trên thị trường. Những cố gắng nỗ lực từ phía Cung ứng có sứ mệnh phải đáp ứng mức độ, cơ cấu và tính chất của nhu cầu thị trường. Khách du lịch phát ra tín hiệu về nhu cầu đồng thời khách du lịch cũng phát ra tín hiệu về sự hài lòng được thụ hưởng dịch vụ đáp ứng bởi các nhà cung cấp du lịch. Công tác nghiên cứu, tư vấn về thị trường, sản phẩm du lịch sẽ được coi trọng. Các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng, thiết kế sản phẩm du lịch, các quá trình cung ứng dịch vụ và quản lý điểm đến đều hướng tới gia tăng giá trị thụ hưởng, giá trị trải nghiệm và sự hài lòng của khách du lịch.

Thứ ba, vai trò của nhà nước ngày càng rõ trong hoạch định, kiểm soát và hỗ trợ phát triển, đặc biệt trong hình thành cân đối mới về cơ cấu ngành, lĩnh vực, quan hệ liên ngành và cơ cấu vùng, miền lãnh thổ. Nhà nước không còn can thiệp sâu trong các quan hệ kinh tế giữa các chủ thể mà tạo ra những hạt nhân kích thích, tháo gỡ những rào cản và làm trọng tài phân định minh bạch lợi ích và trách nhiệm; hạn chế và hướng tới loại trừ những xung đột về lợi ích giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương và các bên đối tác.

Tiếp nữa, những chính sách ưu tiên cho du lịch được thể hiện rõ trong Luật Du lịch sẽ thúc đẩy quá trình nâng cao nhận thức về du lịch trong toàn xã hội; tạo thuận lợi tối đa cho khách du lịch từ thủ tục visa, kết nối đường không, đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và điều kiện, phương tiện tiếp cận điểm đến, sinh hoạt và trải nghiệm du lịch một cách thuận tiện, phong phú và đa dạng;

Nhóm chính sách tháo gỡ rào cản, khuyến khích doanh nghiệp du lịch sẽ tạo sức hấp dẫn và động lực mạnh mẽ thu hút và nâng cao hiệu quả dòng vốn đầu tư vào du lịch trong thời gian tới. Sự bùng nổ đầu tư về hạ tầng du lịch, tập trung phát triển các vùng du lịch động lực, những điểm đến mới có thương hiệu mạnh đẳng cấp quốc tế cũng như các sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo sẽ mở ra chân trời mới cho du lịch Việt Nam phát triển.

Thứ năm, cơ chế hợp tác công-tư cũng được thể hiện rõ trong Luật Du lịch sửa đổi. Đây là chìa khóa tạo sức hút các nguồn lực tập trung vào mục tiêu. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ phát huy tác dụng từ cơ chế này và tạo động lực cho các bên tham gia Quỹ và hưởng lợi từ các chương trình, dự án phát triển của Quỹ. Đặc biệt là công tác xúc tiến quảng bá du lịch sẽ có sự chuyển biến căn bản về hiệu quả và tính chuyên nghiệp.  

Thứ sáu là Nhà nước sẽ tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển du lịch. Đây là nguồn lực tiềm tàng và vô cùng to tớn sẽ được huy động từ trong sức dân. Cộng đồng dân cư sẽ được nâng cao nhận thức, tạo điều kiện thuận lợi, được hỗ trợ, được bảo vệ trong quá trình tham gia và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch. Có thể nói đây là sự đổi mới lóe sáng về thể chế biết phát huy sức dân vô biên cho phát triển du lịch. Các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái nông thôn, du lịch chia sẻ… sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Vai trò và hình ảnh “chủ nhân” của điểm đến sẽ được hình thành và tôn vinh từ chính cộng đồng dân cư khi trực tiếp hay gián tiếp tham gia đón tiếp và phục vụ du lịch bằng tình yêu, niềm tự hào, sự tự tôn đối với quê hương, dân tộc.  

Có thể nói, vận hội mới cho phát triển du lịch đang đến chính từ sự cởi mở về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà đã và đang được thể chế  hóa trong Luật Du lịch. Với tầm nhìn của khuôn khổ thể chế đổi mới đó, Du lịch Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng to lớn của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam./.

TS. Hà Văn Siêu- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

www.vietnamtourism.gov.vn/






TIN BÀI LIÊN QUAN