Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến – Điểm đến hấp dẫn du khách

Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến là một trong những lễ hội lớn của Hưng yên ( diễn ra từ mồng 6 đến mồng 8 tháng ba âm lịch hàng năm). Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Phố Hiến xưa – thành phố Hưng Yên hôm nay đến […]

     Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến là một trong những lễ hội lớn của Hưng yên ( diễn ra từ mồng 6 đến mồng 8 tháng ba âm lịch hàng năm). Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Phố Hiến xưa – thành phố Hưng Yên hôm nay đến nhân dân và du khách thập phương. Năm 2015 nhân dịp Khu di tích Phố Hiến được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ đón bằng di tích quốc gia đặc biệt và khai mạc các lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến được tổ chức với qui mô lớn hơn, sâu hơn với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng kết hợp với những trò chơi dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của văn minh sông Hồng, đặc biệt là chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Lễ hội.

 
Phố Hiến xưa kia là một thương cảng sầm uất, nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Thời đó, tàu thuyền, thương nhân từ hơn 10 nước tới giao thương, buôn bán tạo nên không khí náo nhiệt trên bến dưới thuyền. Thời kỳ hưng thịnh nhất của Phố Hiến là vào cuối thế kỉ XVI và XVII. Nếu Kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) có 36 phố phường thì Phố Hiến khi ấy có tới 23 phường, thị và được ví như một tiểu Tràng An. Cùng với hoạt động thương mại, người nước ngoài đã mang đến Phố Hiến những phong tục tập quán, kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa riêng của từng quốc gia, từng dân tộc. Điều này khiến Phố Hiến vừa là điểm hội tụ vừa là điểm giao thoa giữa các nền văn hóa, hình thành nên nét văn hóa đặc sắc riêng của đất và người Phố Hiến.

 
Trải qua biến cố của thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến nay là thành phố Hưng Yên giờ không còn là cửa biển như trước kia với cảnh buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền, nhưng các di tích, danh thắng, những giá trị văn hóa ghi dấu một thời của “Tiểu Tràng An” vẫn còn khá nguyên vẹn. Tại đây còn bảo tồn được trên 60 di tích, hàng trăm bia ký, hàng nghìn cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Phố Hiến hiện còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến đời sống sinh hoạt của người Phố Hiến xưa như chợ, giếng, nghĩa địa người nước ngoài và nhiều di vật quý báu, ẩn chứa các dấu tích lịch sử, văn hóa. Với quần thể di tích lịch sử văn hóa có mật độ lớn, đa dạng, Phố Hiến hình thành hệ thống các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống phong phú. Mỗi lễ hội có nét độc đáo gắn với tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng riêng của địa phương, làm hài lòng du khách khi tới tham quan, chiêm bái.

Đến với lễ hội, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội mà còn là dịp để du khách thưởng ngoạn, tìm hiểu về các di tích lịch sử – văn hóa vốn được xem là điểm nhấn về du lịch Phố Hiến. Là Văn miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn), nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của người dân Hưng Yên và cả vùng Sơn Nam thượng. Là chùa Chuông nơi lưu giữ những nét kiến trúc nghệ thuật cổ vốn có. Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ. Theo sách “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí” của Trịnh Như Tấu có ghi: “Chùa Chuông Phố Hiến đẹp nhất danh lam” để khẳng định vẻ đẹp của ngôi chùa độc đáo này. Là Đền Trần, đền Thiên Hậu, chùa Phố. Đặc biệt là Đền Mẫu với cảnh quan đẹp, phía trước là mặt Hồ Bán Nguyệt trong xanh, trong sân có cây cổ thụ gồm 3 cây đa, sanh, si có niên đại gần 700 tuổi đan quấn vào nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền, tạo cho đền vẻ linh thiêng, kỳ bí. Xuôi một chút về phía nam là Phố Hiến cổ với cụm di tích đình – chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội. Tại đây còn lưu giữ nhiều tượng và hiện vật quý. Trước sân chùa có hai tấm bia đá ghi lại tư liệu về quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến. Bên cạnh đó là cây nhãn Tổ. Tương truyền đây là cây quý mã đẹp, quả to, cùi dày, hương vị thơm ngon đặc sắc được dùng để tiến vua… Và còn nhiều di tích khác với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc có sức thu hút du khách.

Nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của cha ông để lại, từ nhiều năm nay, thành phố Hưng Yên đã phục dựng và tổ chức các lễ hội văn hóa vùng Phố Hiến. Mở đầu chuỗi các sự kiện diễn ra trong lễ hội sẽ là phần tế lễ, như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu của các di tích. Đây là các nghi thức nhằm khôi phục, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở các đình, đền, chùa, miếu… Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như văn hóa ẩm thực, thi cầu kiều, kéo co, chọi gà, cờ tướng, bơi chải, đàn và hát dân ca; hội thi thả diều sáo, trưng bày, giới thiệu đặc sản vùng Phố Hiến; trưng bày, giới thiệu cổ vật… Đến với lễ hội, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn dân gian đặc sản ở Hưng Yên như bún thang, chè sen long nhãn… mà còn trực tiếp được xem cách chế biến các món ăn này qua bàn tay dịu dàng, cần mẫn của các chị em phụ nữ đất nhãn. Ngoài được thưởng ngoạn các di tích lịch sử văn hóa, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội mang đặc trưng riêng chỉ có ở Hưng Yên. Mùa lễ hội tháng ba trên địa bàn thành phố Hưng Yên, sau khai mạc lễ hội vùng, một loạt các di tích như đền Trần, đình Hiến, đền Mẫu, đình An Vũ, đền Tân La, đền Thiên Hậu, đền Mây… lần lượt được tổ chức khiến không gian lễ hội như một dòng chảy liên tiếp kéo dài mãi. Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, âm nhạc và các trò chơi dân gian độc đáo của vùng đất “Tiểu Tràng An” xưa. Đây cũng là dịp để thành phố Hưng Yên quảng bá tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử, lễ hội… nhằm không ngừng góp phần bảo tồn và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 
 






TIN BÀI LIÊN QUAN