Lễ hội truyền thống đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân

Cứ đến ngày mồng 8 đến 16 tháng 4 âm lịch hàng năm, người dân thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên lại rộn ràng tổ chức Lễ hội truyền thống đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân. Đây là lễ hội lớn được ghi danh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Đây được coi là kỳ lễ chính và lớn của Lễ hội truyền thống đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân để kỷ niệm ngày sinh của Ngài. Là dịp để nhân dân ôn lại truyền thống lịch sử của cha ông, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, trân trọng đạo hiếu và tình yêu chung thủy.

Mở đầu là lễ cáo yết quan Trạng diễn ra vào ngày mồng 8 với ý nghĩa “cáo thánh” xin thánh cho nhân dân tổ chức lễ hội, báo cáo các vị thần linh và thỉnh mời các vị thần về dự hội, phù trợ cho dân làng tổ chức lễ hội được yên vui, một năm thuận lợi, mùa màng bội thu.

Ngày mồng 9 tổ chức rước kiệu bà Cúc Hoa từ đền Phượng Hoàng (xã Minh Tiến) về đền Tống Trân dự hội. Đi đầu đoàn rước là nhang án tiền, kiệu Tống Trân, ngựa đỏ, kiệu Cúc Hoa, ngựa trắng cùng 9 mâm lễ. Sau khi làm lễ xong tại đền Phượng Hoàng, bài vị của Cúc Hoa được rước hồi đền Tống Trân và được an vị tại đền Mẫu.

Tiếp đến là lễ rước nước và rước nghiên bút được tổ chức vào ngày mồng 10. Mở đầu đoàn rước là sư tử, kỳ lân, đội cờ, tiếp đến là nghi trượng tượng trưng cho sự oai linh của Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân, phường bát âm, nhang án tiền, kiệu choé nước (trên đặt sách, bút), ngựa đỏ, kiệu Tống Trân.

Đoàn rước tiến ra sông Luộc rồi xuống thuyền thực hiện nghi thức rước nước. Trong nghi thức chỉ có kiệu chóe nước, bát bửu, đội cờ được mang xuống thuyền. Đoàn thuyền chở đoàn rước nhấp nhô như đang trình diễn khúc nhạc sôi động trên sông. Khi đến ngã ba Nông (tương truyền là nơi Trạng nguyên cầm quản bút ném xuống sông, ngày nay nổi lên một cồn cát có hình con cá bơn, cũng được coi là hình chiếc nghiên bút) thì dừng lại làm lễ cúng thuỷ thần.

Tiếp đó là nghi thức lấy nước, vị trí lấy nước được thả một vòng hoa, người lấy nước phải múc trong vòng tròn hoa đó. Nước được múc từ đầu nguồn đến cuối nguồn và ngược lên đầu nguồn lần lượt 3 lần. Người thực hiện nghi thức lấy 3 gáo nước đầu tiên là Thầy pháp, tiếp đến là cụ già (nam), gia đình có đủ bốn thế hệ song toàn, đại diện chính quyền địa phương, đại diện dân làng mỗi người múc một gáo đổ vào chóe. Tiếng chiêng, tiếng trống tạo nên âm vang hòa nhịp rộn ràng, cờ đủ màu sắc rực rỡ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham gia trẩy hội. Sau đó đoàn rước trở về đền Tống Trân làm lễ mộc dục cầu cho mưa thuận gió hòa, muôn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, cuối cùng là lễ tế thánh.

Đến sáng ngày 14 diễn ra lễ khai hội, lễ dâng hương, lễ rước kiệu quần thần đi quanh làng Võng Phan, An Cầu, Tống Trân. Các kiệu rước được trang hoàng lộng lẫy tiến hành rước lên đê rồi đi vùng quanh xã sau đó trở về đền Tống Trân khai hội và làm tế lễ. Sau đó, kiệu của các làng Võng Phan, Trà Dương được rước hồi cung.

Ngày 16 tháng 4 là nghi thức lễ tạ khóa. Trong lễ tạ dân làng chỉ làm lễ chay khấn tạ các vị thần linh đã cho làng một khóa hội thành công, cầu mong điều tốt đẹp đến cho nhân dân. Đồng thời xin cất cờ, trống, chiêng, các đồ tế khí kiệu và đóng cửa đền.

Hoà cùng dòng người trẩy hội, du khách còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ hấp dẫn như: Cờ tướng, chọi gà, bóng chuyền, tổ chức hát quan họ trên thuyền,…

                                                                                                                       TTXTDLHY

 






TIN BÀI LIÊN QUAN