Các đại biểu dự lễ hội kỷ niệm 980 năm ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan
Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan có tên thường gọi là Lê Thị Khiết, sinh năm 1044, quê ở làng Ghênh Sủi, thuộc hương Thổ Lỗi (nay là thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm). Bà là một phụ nữ đức hạnh, tài, sắc vẹn toàn, tên tuổi và cuộc đời của bà gắn liền với sự nghiệp của vua Lý Thánh Tông – chồng bà và vua Lý Nhân Tông – con trai của bà. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước. Với trọng trách nhiếp chính, bà đã cùng với các danh thần, lương tướng đưa ra nhiều kế sách, giữ vững kỷ cương triều chính, đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống, giữ gìn non sông Đại Việt, giúp giảm nạn đói, phát triển nông nghiệp, dẹp thù trong, giặc ngoài.
Biểu diễn trống hội tại lễ hội kỷ niệm 980 năm ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan
Năm 1115, Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan tuổi đã cao, bà về ở hẳn quê nhà và cho xây Thủy Lâu đài để tiếp khách triều đình, nghỉ ngơi và tu tại gia. Sau khi bà mất, Thủy Lâu đài được sửa sang thành đền thờ bà, gọi là đền Ghênh.
Không chỉ là nơi thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, đền Ghênh còn là nơi hoạt động của các sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương, các chiến sĩ cộng sản hoạt động cách mạng. Hằng năm, Nhân dân thị trấn Như Quỳnh tổ chức lễ hội vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch để tưởng nhớ công lao của bà.
Trong khuôn khổ của lễ hội đã diễn ra các hoạt động như: Lễ rước nước, lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, lễ dâng hương, tế lễ, biểu diễn trống hội và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian…
Theo: Mai Nhung - Báo Hưng Yên