Lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng 3 (âm lịch) hàng năm diễn ra chủ yếu tại các ngôi chùa thờ Tứ Pháp thuộc xã Lạc Hồng, trung tâm là chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự). Khai hội được tổ chức vào ngày mồng 6 với không khí rất náo nhiệt, tưng bừng. Du khách đi trẩy hội được hoà mình cùng đoàn rước cầu mưa với các nghi thức rất trang trọng. Đoàn rước khởi kiệu từ chùa Nhạc Miếu rước tượng bà Pháp Lôi xuống chùa Thái Lạc. Đi đầu đoàn rước là đội dẹp đường, tiếp đến là đội cờ, phường bát âm, bát bửu, hương án, người cầm cờ lệnh, kiệu bà Pháp Lôi. Đi hai bên hương án và kiệu bà Pháp Lôi là những người cầm tàn quạt và lọng che. Trong quá trình rước, có lúc kiệu bà Pháp Lôi phải chạy. Khi chạy thì hô “Huế! Huế! Huế!” (tên dân gian của bà Pháp Lôi), khi cờ reo xướng thì giai kiệu hô. Giai kiệu là những chàng trai khỏe mạnh, đức hạnh, cởi trần, đóng khố được đan từ sợi dây thừng, gắn vải, hoa cúc chì, cườm.
Đoàn rước đến chùa Hồng Cầu, lúc này kiệu bà Pháp Vũ cũng đã chuẩn bị xong nhưng chưa ra khỏi chùa, kiệu bà Pháp Lôi phải lùi lại để chờ kiệu bà Pháp Vũ ra, hai bà làm lễ chào nhau 3 lần. Sau đó, đoàn khởi kiệu rước hai bà xuống chùa Thái Lạc, mỗi khi có trống lệnh cờ reo xướng, giai kiệu lại hô. Hai kiệu vào đến sân chùa Thái Lạc, dân làng thôn Quang Trung cũng bắt đầu rước kiệu bà Pháp Vân ra cửa chùa. Ba bà làm lễ chào nhau, kiệu bà Pháp Vũ chào trước, kiệu bà Pháp Lôi chào sau, cuối cùng là kiệu bà Pháp Vân chào lại. Sau lễ chào, ba bà ngự yên vị tại chùa Pháp Vân một đêm.
Chiều mồng 6, du khách được xem diễn trò đánh Trăng vô cùng đặc sắc. Tham gia chủ yếu là các giai kiệu và thanh niên trai tráng trong toàn xã, có khoảng 50 - 60 người. Khi có hiệu lệnh, các giai kiệu đóng khố xếp hàng vòng tròn lần lượt chạy theo Tiểu cổ và Cờ reo. Cả đoàn chạy theo vòng xoáy chôn ốc theo chiều kim đồng hồ, sau đó quay ngược trở ra với quan niệm đây là vòng xoay vũ trụ, sự vần vũ của mây, mưa, sấm, chớp. Cứ như vậy, đi đủ ba vòng thì kết thúc một lần đánh Trăng. Trong khi đánh Trăng, Cờ reo xướng, giai kiệu hô. Trò đánh Trăng thể hiện tín ngưỡng cầu nước, cầu mưa và tục thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đến ngày mồng 7, dân làng làm lễ rước rồng lấy nước tại giếng cổ ở thôn Bình Minh. Đoàn rước tới giếng, nhà sư làm lễ xin nước, dùng gáo dừa sơn đỏ có cán gỗ để múc nước vào một chiếc chum sành, sau đó mới đổ vào trong chóe. Bên ngoài tiếng trống, tiếng chiêng, hòa cùng với các bản tấu nhạc của phường bát âm tạo không khí âm vang, rộn ràng. Bên trong các già tiếp tục đọc kinh, kể hạnh. Khi múc xong, những người cầm gầu lần lượt múc nước từ giếng vảy ra xung quanh, miệng hô “Mưa! Mưa! Mưa!”. Sau khi lấy nước xong đoàn rước lại tiếp tục theo cung đường cũ quay trở về chùa Thái Lạc. Số nước lấy tại giếng cổ được chia thành ba phần đặt lên ban thờ ba bà: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi.
Sau đó, khởi kiệu rước ba bà xuống chùa Pháp Điện. Trên đường đi gặp những chỗ có nước, những người cầm gầu múc nước vảy lên làm phép, miệng hô “Mưa, Mưa, Mưa”. Khi các kiệu đến đủ, chị em làm lễ chào nhau, các giai kiệu chạy và nhún chân. Kiệu bà Pháp Điện không ra khỏi chùa mà chỉ được rước bà ra cửa chùa chào rồi lùi lại (vì nhân dân nơi đây quan niệm rằng nếu bà Pháp Điện ra khỏi Tam quan chùa, nhìn vào làng nào thì làng ấy sẽ có hoả hoạn). Ba chị đến thăm phải ngự ở ngoài chùa vọng vào tại ba gian nhà lợp lá ở đó một đêm.
Sáng mùng 8, các nhà sư làm lễ, kiệu ba bà Pháp Vân, Pháp Vũ và Pháp Lôi được rước vào cửa chùa Pháp Điện, bốn bà làm lễ chào nhau trong tiếng xướng của cờ reo và tiếng hô của giai kiệu. Sau nghi thức chào nhau, kiệu ba Bà được rước hoàn cung. Buổi chiều, các chùa làm lễ kê chân nhang và yên vị Tứ Pháp.
Đến với lễ hội để tỏ lòng thành kính và ghi nhớ công lao che chở, phù hộ dân làng của các vị Thần, đồng thời cũng là để giữ gìn, phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội truyền thống thực sự như những món ăn tinh thần mang lại cảm giác thư thái và những trải nghiệm hấp dẫn về văn hoá, phong tục tập quán của mỗi vùng đất mà du khách đặt chân đến.
Phòng TTDL - TTXTDLHY