Làng Nghề chạm bạc thôn Huệ Lai

Ngày đăng: 16/01/2018
Làng quê là nơi mà mỗi người luôn muốn tìm về sau những khoảng thời gian làm việc vất vả, căng thẳng, bộn bề lo toan cho cuộc sống. Một gợi ý khám phá, trải nghiệm khá thú vị cho bạn đó là làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cách thành […]

          Làng quê là nơi mà mỗi người luôn muốn tìm về sau những khoảng thời gian làm việc vất vả, căng thẳng, bộn bề lo toan cho cuộc sống. Một gợi ý khám phá, trải nghiệm khá thú vị cho bạn đó là làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cách thành phố Hưng Yên khoảng 35km về phía Bắc, nơi đây là quê hương của danh tướng Phạm Ngũ Lão – vị tướng tài ba của Trần Hưng Đạo, đã có công đánh tan giặc Nguyên Mông và Ai Lao. Đến đây bạn được chiêm ngưỡng quần thể di tích đền Phù Ủng uy nghi, nghe kể về những giai thoại và những chiến công hiển hách của ngài. Không những thế, làng Phù Ủng còn là nơi gìn giữ và phát triển nghề truyền thống chạm bạc, đó là làng nghề chạm bạc Huệ Lai. Đến với làng nghề bạn sẽ được trải nghiệm các công đoạn làm ra những sản phẩm trang sức vô cùng độc đáo và tinh xảo.

 
          Người dân thôn Huệ Lai trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông, quanh năm lam lũ, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Từ những năm 90 trở lại đây nghề chạm bạc đã mang lại cho họ cuộc sống khá giả hơn, có nhiều hộ khá và giàu. Nghề chạm bạc được bắt nguồn từ thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương do ông Đỗ Xuân Chuyển chủ nhiệm hợp tác xã chạm bạc là một trong những người đầu tiên cấy nghề vào làng.
 
 Trong những năm đầu, nghề chạm bạc mới được hình thành còn gặp rất nhiều khó khăn cả về vốn, nhân lực và thị trường tiêu thụ. Khi đó kỹ thuật sản xuất chủ yếu sử dụng phương tiện máy, thiết bị thủ công. Cho đến nay, hầu hết các loại máy, thiết bị được sử dụng động cơ chạy bằng điện như: Các loại máy cườm, cán, cóc, rúc, đúc… Nhờ đó năng suất lao động tăng lên 3 – 4 lần so với trước, chất lượng sản phẩm cũng tăng hơn, thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn. Trước thì thị trường tiêu thụ các sản phẩm làm ra chủ yếu ở mấy tỉnh thành lân cận như Hải Dương, Hải Phòng hay Hà Nội, nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Ngoài chế tác theo đơn đặt hàng, những người thợ trong làng thường xuyên sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng như các sản phẩm: Dây chuyền, nhẫn, vòng tay, hoa tai, vòng cổ…
 
          Để mở rộng thị trường, tăng năng lực sản xuất cho các hộ trong thôn, năm 1998, HTX chạm bạc Phù Ủng được thành lập. Khi mới thành lập, HTX có trên 20 hộ tham gia, đến nay phát triển lên 48 hộ, với 197 lao động tham gia trực tiếp, ngoài ra còn có trên 1 nghìn lao động của các hộ trong xã gia công sản phẩm cho HTX.
 
          Nói đến nghề chạm bạc hay còn gọi là nghề kim hoàn, đặc thù của nghề cũng rất khắt khe, bởi nó không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, mà còn đòi hỏi đôi bàn tay tài hoa khéo léo để trổ các hoa văn tinh tế trên các sản phẩm. Để làm được điều đó người thợ cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại trong từng công đoạn mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp và tinh xảo đến vậy.

 
          Để có thể cho ra thành phẩm như ý muốn thì cần phải trải qua rất nhiều quy trình chế tác . Đầu tiên là giai đoạn tạo mẫu cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất. Tại đây những ý tưởng sơ khai nhất về một mẫu trang sức mới sẽ được hình thành. Bước tiếp theo: giai đoạn tạo mẫu sáp ví như làm nhẫn thì mẫu nhẫn sẽ được xuất ra và được khắc trên sáp cứng. Sáp có màu xanh ngọc hoặc xanh lá cây sậm màu. Các mẫu sáp có thể làm thủ công bằng tay hoặc máy. Nếu làm thủ công bằng tay thì các công cụ cần thiết là dao với nhiều kích cỡ, lưỡi cưa, mũi kim, giũa, khoan nhỏ, máy tiện nhỏ…
 
Tiếp đến là các công đoạn cắm cây thông – bơm sáp, đổ thạch cao, đun chảy kim loại, đổ khuôn, cắt thân cây thông ra khỏi sản phẩm thô, hoàn thiện sản phẩm thô, gắn đá, đánh bóng sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ở công đoạn cuối, mỗi sản phẩm được kiểm tra chất lượng chặt chẽ để đảm bảo độ chính xác và tay nghề chế tác hoàn hảo. Bước này có thể tiến hành định giá cho trang sức. Sau khi trải qua quy trình chế tác và kiểm tra một cách nghiêm ngặt, một sản phẩm trang sức vàng bạc đã được ra đời và chờ đợi chủ nhân yêu quý tương lai.
 Đẹp, cầu kỳ là những gì bạn luôn mong muốn. Vậy còn chờ gì nữa, bạn hãy “khoác ba lô lên và đi“, khám phá, trải nghiệm, tận hưởng, sắm cho mình và những người thân yêu thứ quà tặng trang sức phù hợp ngay tại làng nghề.

Vũ Luyến

 






TIN BÀI LIÊN QUAN