Lăng mộ Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh – Quần thể kiến trúc điêu khắc đá độc đáo

Toạ lạc tại thôn Hạ, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, lăng mộ Đại Tư đồ Nguyễn Bá Khanh- Quận công thời Hậu Lê là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá độc đáo, hoành tráng.     Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh sinh ra và lớn lên tại quê hương An […]

Toạ lạc tại thôn Hạ, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, lăng mộ Đại Tư đồ Nguyễn Bá Khanh- Quận công thời Hậu Lê là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá độc đáo, hoành tráng.   
 Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh sinh ra và lớn lên tại quê hương An Vĩ, ông làm quan Tư đồ duới triều vua Lê Hiển Tông. Đuơng thời ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như: Cận thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng thái giám Đô đốc phủ, Tả tướng quân, Thái tể đại tư đồ, Tuớc Trực Trung hầu. Ông đã có nhiều công lao với triều đình Hậu Lê nên khi tuổi cao ông đuợc nhà vua ban thưởng nhiều bổng lộc, cho về quê hương an nghỉ. Ngay từ khi còn sống, ông đã chuẩn bị xây dựng lăng cho mình vào lúc cuối đời.
Lăng Đại quan tư đồ Nguyễn Bá Khanh được xây dựng vào năm 1770 trên một khu đất rộng, cao ráo, khoáng đạt hoà. Nơi đây in dấu nét cổ kính, tĩnh mịch phủ màu thời gian, là công trình kiến trúc điêu khắc đá xanh và đá ong, rộng 240m2.  
Quần thể kiến trúc khu lăng mô bao gồm: Cổng lăng, khu sân chầu, lăng Đại quan Tư đồ Nguyễn Bá Khanh, khu mộ.
Nét đặc sắc thể hiện ở hệ thống tượng nguời và các linh vật như voi, ngựa, chó đá. Đôi chó đá được bài trí trước cổng có kích thước tương đối nhỏ, được tạo tác đẹp, sinh động với những mảng miếng sắc nét, tinh tế. Những người nghệ nhân đã tạo tác giống như thật, rất có hồn và gần gũi.
Đôi tượng lính canh cổng được chạm khắc tinh tế, công phu, sắc nét làm toát nên vẻ đạo mạo, phi phàm cũng như thần thái của nguời lính gác cổng rất mực trung thành với chủ nhân của mình.     
Độc đáo hơn cả ở công trình kiến trúc này là nghệ thuật chạm khắc tuợng tròn theo lối tả thực với khuynh hướng tự nhiên hoá tượng người và linh thú trông rất sống động. Người xưa đã thổi hồn lên mình các pho tuợng, tạo nên kiệt tác để nguời đời sau còn được ngưỡng vọng.
Sự khác biệt so với các lăng mộ khác là ở đây tuợng đựơc bố trí thành từng nhóm đặt cạnh nhau. Điển hình là pho tuợng người và ngựa, người và voi hay hai cặp tượng lính hầu đứng cạnh nhau và đối xứng hai bên sân chầu. Tượng voi, ngựa được tạo tác bởi hai thế đá nguyên khối tương đối lớn. Đặc biệt là tính chất hiện thực được gợi tả bởi cặp chân mảnh dẻ lại được các nghệ nhân khéo léo tạc theo dạng phù điêu trên đá; tuy không đục rỗng phần giữa của voi hay chân ngựa nhưng dáng vẻ của con vật vẫn hợp lý và thanh thoát.
Một phần tạo nên sự vĩnh cửu, trường tồn thể hiện quyền uy, chức tuớc của chủ nhân là những hiện vật thờ tự như: hương án, sập, đẳng đá, ngai thờ,…Các hiện vật được bài trí, sắp xếp rất trang nghiêm, quy chuẩn và đăng đối nhau qua đường thần đạo.        
Trong khuôn viên lăng mộ còn có tấm bia ghi chép về quan Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh, tạo tác năm 1770. Tiếp đến là khu mộ được xây dựng theo kiểu trong quan ngoài quách, được chạm trang trí nhiều đề tài mang điển tích dân gian như: tứ linh tứ quý, hổ phù, chữ Thọ, hoa dây, hoa thị, lá đề,…Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh được Nhà nước xếp hạng là di tích” Kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia năm 1988.
Có thể nói, so với những lăng đá đựơc xây dựng cùng thời kỳ thì hiện vật trong khu lăng Đại tư đồ- Nguyễn Bá Khanh được giữ gìn tương đối nguyên vẹn với số lượng hiện vật đồ sộ, phong phú, được chạm khắc công phu, đạt đến độ tinh xảo, nghệ thuật tạo hình khá đẹp với nhiều mô típ, đồ án hoa văn sinh động, độc đáo và hiếm thấy, mang đậm phong cách thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII. Đây có thể được xem là một trong những công trình điêu khắc nghệ thuật đá điêu luyện vào bậc nhất ở Hưng Yên và cũng điển hình cho nghệ thuật điêu khắc lăng mộ đá của nuớc ta.    

(Theo: Di tích lăng đá tỉnh Hưng Yên)

        
                                                         
 






TIN BÀI LIÊN QUAN