Lễ khai mạc vinh dự có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương trên cả nước; đại biểu đại diện các cơ quan quốc tế tại Việt Nam; các doanh nghiệp và hàng nghìn người dân cùng du khách đã tham dự chương trình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TITC
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai năm vừa qua, trước bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất.
Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất của ngành du lịch, của doanh nghiệp, người lao động và cả người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên và người lao động trong ngành du lịch, đồng thời xác định, biện pháp căn cơ nhất là đưa ra các giải pháp quyết liệt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động du lịch, mở cửa lại du lịch.
Kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố tiên quyết để mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch trong tình hình mới.
Trên cơ sở kết quả phòng chống dịch, tham khảo ý kiến chuyên gia và sau khi được các cấp có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, Việt Nam chính thức mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Qua đó đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch nước nhà, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, du lịch của người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Ảnh: TITC
Tuy nhiên, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để biến “nguy” thành "cơ". Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách.
Nhân Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động phối hợp thực hiện thật tốt một số nội dung quan trọng sau:
Một là, tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.
Hai là, tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm Du lịch Quốc gia 2022. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường sinh thái.
Ba là, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch.
Bốn là, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Năm là, thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn cho du lịch.
Sáu là, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hợp tác công tư trong hoạt động và phát triển ngành du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất, quê hương mình, góp phần giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước và quê hương mình. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch, doanh nghiệp và ngành du lịch nói chung. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chúng ta cần mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn và liên tục.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ đề của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Cùng với chủ đề chung này, những "từ khóa" chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là: Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối.
Nhân đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để triển khai các hoạt động, chương trình phát động du lịch trên phạm vi cả nước.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: TITC
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2022 cho rằng, Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 được tổ chức tại Hội An với chủ đề "Điểm đến du lịch xanh" là một trong những minh chứng sinh động về việc toàn ngành đang cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đối với nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, trong đó có du lịch; đặc biệt sau khi Chính phủ đồng ý mở lại hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022.
Bộ trưởng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng về những chỉ đạo đối với ngành du lịch. "Toàn ngành xin tiếp thu chỉ đạo sâu sắc đó để bổ sung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ý thức sâu sắc và đầy đủ rằng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch xanh luôn mang đậm dấu ấn của văn hóa, bởi lẽ du lịch không chỉ là ngành kinh tế đơn thuần, mà còn là ngành kinh tế tổng hợp.
Sau lễ phát động này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực hơn nữa để tập trung chỉ đạo đúng tinh thần và chủ trương mà Thủ tướng đã nêu, đó là: Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển.
Người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng rằng, sắp tới toàn ngành sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng, cũng như của các bộ, ngành, để chúng ta thúc đẩy du lịch, phát triển sản phẩm du lịch - điểm đến xanh hóa; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chất lượng và bền vững. Với tinh thần đó, Bộ trưởng tin tưởng rằng Năm Du lịch quốc gia 2022 sẽ thành công tốt đẹp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh. Ảnh: TITC
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết cùng với cả nước, địa phương khao khát phục hồi và phát triển hoạt động du lịch. "Du lịch xanh sẽ là xu hướng du lịch tất yếu được lựa chọn của nhân loại, bởi nó đề cao ý thức của con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học", ông nói.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho hay, năm du lịch quốc gia 2022 lấy chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" nhằm mong muốn truyền tải thông điệp đến với bạn bè, du khách khắp muôn nơi về một Quảng Nam lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột.
Tại buổi lễ, các đại biểu, du khách thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề Quảng Nam - Điểm đến Du lịch xanh có ba chương kéo dài gần hai giờ, với sự tham gia của hơn 600 diễn viên. Trong đó, chương 1 mang chủ đề "Vẻ đẹp bất tận", chương 2 là "Về miền di sản", và chương 3 có tên "Hội nhập - tỏa sáng".
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc (Ảnh: TITC):
Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam