Di sản văn hoá làng Phù Ủng

Ngày đăng: 19/02/2024
Huyện Ân Thi, nằm ở phía bắc của mảnh đất Hưng Yên ngàn năm văn hiến. Làng Phù Ủng thời Trần thế kỷ thứ XIII thuộc huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng, lộ Hải Đông. Trải qua những biến thiên của lịch sử, làng Phù Ủng mang nhiều tên gọi khác nhau. Ngày nay, làng Phù Ủng thuộc xã Phù Ủng (Ân Thi).

 

Đông đảo du khách thập phương thắp hương tưởng niệm tướng quân Phạm Ngũ Lão và tham gia Lễ hội đền Phù Ủng
Đông đảo du khách thập phương thắp hương tưởng niệm tướng quân Phạm Ngũ Lão và tham gia Lễ hội đền Phù Ủng

Nằm trên dải đất ven con sông Cửu Yên, làng Phù Ủng mang sự kết tinh của văn hóa xứ Đông. Theo một số tài liệu thư tịch cổ, bia ký, sắc phong, tục lệ và các tài liệu lịch sử liên quan thì làng Phù Ủng xưa là một trong những thôn lớn đứng đầu hàng xã, hàng tổng, đất đai của làng phì nhiêu, rộng lớn, người đông lại tài khéo tinh thông, nghị lực, có thể so đọ được với thiên hạ.

Khu di tích đền Phù Ủng gồm nhiều hạng mục công trình, mỗi công trình có một giá trị riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng: Đền thờ Trần triều Điện súy Phạm Ngũ Lão, Đền mẫu, Lăng thân phụ, Cảm ân tự (Bảo sơn tự), Lăng Vũ tướng công, Văn chỉ… Năm 1988, đền Phù Ủng được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây được coi là một trong những nguồn sử liệu quan trọng góp phần nghiên cứu về truyền thống lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, tục lệ, đời sống…

Trong lịch sử, Phù Ủng nổi tiếng ở thế kỷ XIII với câu chuyện chàng trai đan sọt bên vệ đường trở thành tướng bách thắng triều Trần Phạm Ngũ Lão. Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255, mất năm 1320, là người có công lớn trong 2 lần đại phá quân Nguyên - Mông. Theo gia phả, Phạm Ngũ Lão là cháu đời thứ 8 của tướng quân Phạm Hạp là võ tướng thời Đinh, một trong những trung thần của vua Đinh Tiên Hoàng, được “Việt sử tân biên” liệt vào danh sách “Giao Châu thất hùng”, tức 7 anh hùng Giao Châu thời bấy giờ.

Xuất thân tầng lớp bình dân, nhưng Phạm Ngũ Lão có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước ở thế kỷ XIII. Phạm Ngũ Lão là người có tài văn võ, đức độ hơn người, đánh đâu thắng đó, cuộc đời trọn vẹn. Đại Việt sử ký toàn thư ghi về quân phong quân kỷ của ông: Ông huấn luyện quân đội rất có kỷ luật, đối đãi với tướng hiệu tựa như người nhà, đồng cam cộng khổ với binh sĩ, cho nên quân đi tới đâu, không ai dám chống; tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, coi của cải như không, là bậc danh tướng của một thời vậy. 

Lăng mộ Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng
Lăng mộ Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng

Từ ngàn đời, các thế hệ người Phù Ủng hun đúc nên truyền thống yêu nước, lịch sử, văn hóa và khoa bảng. Trong khu di tích đền Phù Ủng lưu giữ được các di tích liên quan đến truyền thống nho học, ghi danh những nhà khoa bảng của làng như văn từ, khuê văn... Từ chỉ tiến sĩ Vũ Hồng Lượng, một công trình điển hình về điêu khắc đá thời Lê Trung Hưng. Hiện tại Từ chỉ Vũ Hồng Lượng còn lưu giữ khá nguyên vẹn các hạng mục công trình điêu khắc đá. Hai bia đá: “Vũ Tướng từ chỉ bi” (dịch là bia từ chỉ Vũ Tướng công) và “Vũ Tướng công thực lục bi” (dịch là Bia ghi lại hành trạng Vũ Tướng công” có niên hiệu Vĩnh Thọ 3 (1660) ghi thân thế, sự nghiệp và ca ngợi công lao của Vũ Tướng công. Ông tên Vũ Vinh Tiến, sinh năm Canh Thân (1620), thuở nhỏ chăm chỉ học hành. Năm 20 tuổi đỗ giải Hương, năm 21 tuổi đỗ tiến sĩ. Ông làm quan đến chức Tự khanh, tước bá. Năm 1669, ông mất khi còn đương chức, được truy tặng Binh bộ Hữu Thị lang, tước Lệ Hải bá. Xét về mặt nghệ thuật, tấm bia là tác phẩm điêu khắc có giá trị, họa tiết được chạm khắc tinh xảo, uyển chuyển, sống động. 

Trong khu di tích này, Lầu Tư văn là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của làng Phù Ủng. Truyền thống ấy được tạc vào bia đá như nhắc nhở thế hệ sau kế thừa sự nghiệp khoa cử của các bậc tiền nhân. Xưa kia, Lầu Tư văn là khu nhà bia của Văn từ. Văn từ Phù Ủng được xây dựng từ bao giờ thì đến nay chưa có tài liệu nào đề cập đến. Bốn tấm bia đặt trong Lầu Tư văn ghi lại tên tuổi, sự nghiệp của những người đỗ đạt trong làng qua các kỳ thi thời Lê, Nguyễn. Đây là những tấm bia có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, là nguồn tài liệu quan trọng để tìm hiểu về lịch sử khoa cử làng Phù Ủng.

Tấm bia thứ nhất ghi lại các khoa thi triều Lê ở xã Phù Ủng; tấm bia thứ hai ghi lại các khoa thi quốc triều ở xã Phù Ủng; tấm bia thứ ba ghi lại tên các khoa thi và những nho sinh đỗ tiến sĩ, cử nhân, tú tài, sinh đồ của làng thời Nguyễn; tấm bia thứ tư ghi lại tên tuổi những người đỗ tiến sĩ, hương cống, sinh đồ triều Lê của làng. Đôi câu đối tại Lầu Tư văn được dịch: Rực rỡ soi sáng công đức hiền nhân đời trước/Huy hoàng công danh kế thừa con cháu đời sau. Cũng qua nội dung của những tấm bia cho thấy, Phù Ủng có phong tục, đó là làng đã dành một số ao, ruộng giao cho các giáp luân phiên nhau cấy cày để trích tiền hoa lợi sắm sửa lễ vật cúng tế các bậc tiên hiền.

Trong tiết xuân ấm áp, tìm về nguồn cội dân tộc qua những di tích, mỗi người Việt thêm hiểu và tự hào về nền văn hóa lâu đời đã để lại cho các thế hệ sau di sản to lớn về tinh thần yêu nước, coi trọng sự học và những giá trị đạo đức sâu sắc mãi trường tồn. Ngày 11 tháng Giêng hằng năm, lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của danh tướng Phạm Ngũ Lão, giáo dục thế hệ sau ý chí vươn lên, tinh thần yêu nước và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

                                                                                                                                Theo:  Đào Doan - Báo Hưng Yên






TIN BÀI LIÊN QUAN