Đền Tống Trân

Đền Tống Trân cách thành phố Hưng Yên khoảng 20km thuộc địa phận xã Tống Trân – huyện Phù Cừ – tỉnh Hưng Yên. Đến với đền Tống Trân du khách sẽ được ngắm dòng sông Luộc trong xanh, dạo bước trên triền đê và thưởng thức hương thơm dịu mát cùng với vẻ […]

    Đền Tống Trân cách thành phố Hưng Yên khoảng 20km thuộc địa phận xã Tống Trân – huyện Phù Cừ – tỉnh Hưng Yên. Đến với đền Tống Trân du khách sẽ được ngắm dòng sông Luộc trong xanh, dạo bước trên triền đê và thưởng thức hương thơm dịu mát cùng với vẻ đẹp của các đầm sen đang đua nhau nở rộ vào ngày hè.

      Con đường dẫn vào đền Tống Trân được bao trùm bởi một rừng cây xanh tốt càng làm tăng thêm không gian thoáng đãng và linh thiêng cho ngôi đền. Đền Tống Trân còn có một cái tên gọi khác là (đền thờ lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân). Tương truyền: Ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung, có một người họ Tống, tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, trong gia đình rất hiếu lễ, ngoài xã hội khoan hoà. Tống Thiệu Công lấy vợ người xã Phù Oanh cùng huyện tên là Đào Thị Cuông, vợ chồng sống rất nhân từ, tu nhân tích đức, hay làm việc thiện và việc làm của họ đã thấu trời xanh, nhà trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai. Đến tuổi lục tuần hai người mới có con. Bà Cuông mang thai hơn 11 tháng mới sinh hạ một cậu bé khôi ngô tuấn tú và đặc biệt trong suốt ba ngày ba đêm trong nhà luôn tỏa ánh hào quang nên hai cụ đã đặt tên con là Tống Trân. Tống Trân lớn nhanh như thổi lên 3 tuổi đã tinh thông hết âm luật. Cha mất ngài đã cùng mẹ đi cầu thực, cầu tài khắp nơi rồi ngài lấy được người vợ mang tên Cúc Hoa nhân hậu, hiền thảo. Vốn có khí chất thông minh học một biết mười nên khi 5 tuổi đã trên thông văn đưới tường địa lí.
     Năm Tống Trân lên 7 tuổi, ông đã vào kinh ứng thí, cả ba kỳ đều đỗ thủ khoa. Đến ngày mồng 1 tháng 2 đỗ đệ nhất Giáp Cập đệ nhất danh trạng nguyên và được vua khen là “Quốc sĩ vô song, tướng tài quả nhị” nghĩa là ” kẻ sĩ cả nước chỉ có một Tống Trân, tướng tài không có người thứ hai”. Mồng 10 tháng 4 vua ban cờ, gấm lụa, vàng cho trạng nguyên về vinh qui bái tổ. Trở về làng bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao vọng làng trong một tháng, rồi cưới nàng Cúc Hoa làm vợ.
     Sau 3 tháng vua cử đi sứ sang Bắc quốc, vua thấy trạng ít tuổi, tỏ ý khinh thường nên muốn thử tài của trạng nước Nam và Tống Trân đều đối đáp đâu ra đấy, vua Bắc khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm “ lưỡng quốc trạng nguyên”. Vua tàu muốn gả con gái cho trạng nhưng Tống Trân từ chối nên vua sứ Bắc đã nhốt ngài cùng quân sĩ vào chùa Linh Long 100 ngày không cho thức ăn, nước uống nội bất suất, ngoại bất nhập và ngài đã lệnh cho quân sĩ ăn tượng phật được làm bằng chè lam, uống nước cúng phật (nước lã). Sau 100 ngày vua thấy trạng và quân sĩ vẫn béo tốt khỏe mạnh vua Tàu càng phục tài trạng rồi phong cho làm “Phụ quốc thượng tế đẩu nam Tống đại vương”.
     Qua 10 năm đi sứ, ở nhà Cúc Hoa vẫn chờ đợi chồng và một lòng hiếu thảo với mẹ chồng. Nhưng cha nàng đã bắt nàng lấy con nhà giàu. Tống Trân giả dạng người hành khất để dò la tình ý, biết Cúc Hoa vẫn thủy chung với mình, khen Cúc Hoa đủ tam tòng, tứ đức. Tống Trân đón vợ về gia đình cùng đoàn tụ. Vua Nam biết chuyện phong cho Cúc Hoa làm “Quận phu nhân”.
 
     Đến năm 60 tuổi Tống Trân cáo quan về dạy học với mong muốn con nhà nghèo đều được đi học. Cúc Hoa không có con, lại mắc chứng bệnh đau bụng, ba hôm sau vào ngày 3 tháng 3 thì qua đời. Tống Trân bị bệnh ”mã đao” (hạch ở cổ) và mất vào ngày mồng 5 tháng 5. Ngài được truy phong làm “Thượng đẳng phúc thần”.
     Để nhớ đến công ơn của trạng nguyên Tống Trân, ngài được lập đền thờ ngay sau khi mất và được nhân dân thờ phụng. Đền còn là cơ sở cách mạng những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1950 ngôi đền đã bị phá hủy hoàn toàn. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến năm 1998 đền Tống Trân được trùng tu toàn bộ. Đền được xây dựng với 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung. Các cột kèo được làm bằng gỗ, trạm trổ đầu rồng, hoa lá cách điệu và được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, hai bên tiền tế được vẽ hình tứ linh ( long, ly, quy, phượng). Hai bên gian tiền tế là văn võ phụ trợ ngài. Hậu cung thờ tượng ngài Tống Trân.
     Trong đền còn giữ được 11 sắc phong, 1 thần phả và 1 thần tích cùng nhiều đồ tế tự khác và hệ thống hoành phi câu đối ca ngợi trí tuệ, tài năng đức độ của ngài và mảnh đất đã sinh ra nhân kiệt cho đất nước. Tại đền còn lưu giữ những câu đối ca ngợi mảnh đất “địa linh”của huyện Phù Dung nay là Phù Cừ như:

“Đức phối nhị vương, An quận ninh khang ca thánh trạch
Công cao thiên cổ, Phù Dung hiển tích tạ thần lưu”.

     Hàng năm lễ hội làng được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 4 âm lịch, trong đó ngày 13 và 14 tháng 4 là ngày hội chính. Ngày 13/4 tiến hành rước kiệu từ các đền, chùa trong làng. Trong ngày chính hội dân làng rước kiệu quan Trạng đi vòng quanh làng với đoàn tuỳ tùng, cờ xí, võng lọng trông rất uy nghi. Và đến ngày 16/4 lại rước kiệu về các đình, đền, chùa để an vị. Ngày 17/4 làm lễ bế hội.
 






TIN BÀI LIÊN QUAN