ĐỀN CHÍNH ĐA HÒA – NƠI LƯU TRUYỀN HUYỀN THOẠI TÌNH YÊU

Ngày đăng: 16/01/2018
Du khách có dịp xuôi dòng Sông Hồng, mênh mông giữa trời mây sông nước, dừng chân ở Đền Đa Hòa thuộc xã Bình Minh huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hẳn không quên câu chuyện về mối tình nên thơ, diễm lệ giữa Tiên Dung công chúa với chàng trai đánh cá nghèo […]

       Du khách có dịp xuôi dòng Sông Hồng, mênh mông giữa trời mây sông nước, dừng chân ở Đền Đa Hòa thuộc xã Bình Minh huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hẳn không quên câu chuyện về mối tình nên thơ, diễm lệ giữa Tiên Dung công chúa với chàng trai đánh cá nghèo khó, từ lâu đã trở thành thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Chử Đồng Tử còn được coi là ông tổ của nghề buôn bán ở Việt Nam, mang đến cho người dân sự phồn vinh hạnh phúc, và đó là lý do mà Ngài được tôn làm Thánh và là một trong tứ bất tử của Việt Nam.
Tới đây du khách không chỉ được đứng trên con đê sông Hồng thưởng ngoạn phong cảnh bình yên của một vùng quê “xanh xanh lũy tre, ngô khoai biêng biếc, con đò sang ngang” hay ngắm nhìn những dải phù sa cát trắng, những ánh nắng lung linh trên những hàng cau, mà còn được đắm mình giữa chốn “Bồng Lai Tiên Cảnh” của đền Đa Hòa.

Ngôi đền được xây dựng lại năm 1894 do tiến sĩ Chu Mạnh Trinh người làng Tổng Mễ đứng ra vận động nhân tài và vật lực. Đền xây dựng theo hướng chính Tây trên một bãi đất bằng phẳng hình chữ nhật rộng trên 18.000m2. Các công trình kiến trúc chia làm 3 khu: khu ngoài, khu giữa và khu trong.
Khu ngoài: kiến trúc chủ yếu là nhà bia, gọi là trấn giang lâu, cửa trổ ra tất cả bốn hướng.

Gác chuông  

Khu giữa: từ cổng đền là 2 cột trụ cao, xây thẳng vút, trên mỗi đỉnh cột là 1 con nghê ngày đêm canh gác ngôi đền. Bên phải là lầu chuông, bên trái là gác khánh. Chuông đúc bằng đồng, cao 1.5m, khánh bằng đá chiều ngang 1.2m.
Khu trong là khu trung tâm, kiến trúc đặc sắc chủ yếu của thắng cảnh Đa Hòa.
Mở đầu là Ngọ môn gồm 3 cửa. Cửa chính được kiến trúc như một toà nhà 3 gian cao rộng, trên đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, trên có treo bức đại tự ” Bồng lai cung khuyết“, phía trong là bức ” cận thủy lâu đài”.
Tổng thể kiến trúc ngôi đền bao gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ là ý tưởng của người thiết kế muốn nhắc nhở người đời sau nhớ đến thiên tình sử của nàng công chúa Tiên Dung vừa tròn 18 tuổi, đời vua Hùng Vương thứ 18. Các mái đều hình thuyền, mũi cong. Từ dưới sông nhìn lên, từ trên đê nhìn xuống đều thấy các mái đền nối tiếp nhau như một đoàn thuyền đang nhấp nhô ẩn hiện.
Qua sân đại là nhà đại tế, tiếp đến sân Chầu, tòa Thiêu Hương, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam, Hậu Cung. Hai bên là các nhà thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo.
Nét độc đáo của khu đền là tòa thiêu hương, với 2 tầng 8 mái cong, 8 cột gỗ vuông đỡ ở bốn góc. Các đấu kê, xà ngang, được đẽo gọt hình con lân mặt rồng, mình sư tử. Còn các búp sen đều hướng xuống dưới như buông xuống làn hương trời thanh khiết. Tòa thiêu hương treo bức đại tự được sơn son thếp vàng: “giao quang các” ( nơi ánh sáng hội tụ).
Trên cung Đệ Nhị, Đệ Tam có nhiều bức hoành phi, bức trâm, câu đối ca ngợi tài đức của Chử Đồng Tử- Tiên Dung. Ở đây có ban thờ thân phụ, thân mẫu Chử Đồng Tử,…
Hiện nay đền Ða Hoà còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó có lục bình “Bách thọ” (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc. Ngoài ra còn có các kiệu bát cống, thất cống, khảm, ngai,…
Tại ban thờ tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, công trình sư đền Đa Hòa, là thần hộ đền có cây đàn thập lục sinh thời ông từng gảy.
Nối tiếp là gian hậu cung đặt ban thờ và tượng thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân. Ngồi giữa là Chử Đồng Tử, đầu đội mũ có chữ Vương, nét mặt thông minh, thuần phác. Hai bên là nhị vị phu nhân đầu đội mũ nữ hoàng, khuôn mặt nhân hậu hiền thục.
Ngôi đền càng được tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, rêu phong với sông nước bao la, cổ thụ bốn mùa xanh tốt. Xen vào đó là những lời hay, ý đẹp và tình yêu bất tử của con người toát lên qua mỗi lời, mỗi chữ của những bức hoành phi, câu đối của những bậc tao nhân, mặc khách mọi thời, thật là một chốn “Bồng Lai tiên cảnh” nơi trần thế.
Năm 1962 đền Đa Hòa được nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Tại đây người dân địa phương đã bao đời hương khói trong niềm tin tưởng cầu phúc, cầu lộc, sức khỏe, mùa màng tươi tốt cho mình và cho cả đất nước. Vì thế mà:

“Hỡi ai đi ngược về xuôi
Nhớ hội Đa Hòa mồng mười tháng hai”

Không chỉ là một nơi thờ cúng tâm linh của nhân dân, mà còn là một trong những điểm du lịch tham quan không thể thiếu của khách thập phương trong và ngoài nước, đặc biệt là các tour du lịch bằng đường sông Hồng cùng với làng gốm Bát Tràng, đền Đại Lộ, đền Dầm hay Khu di tích lịch sử văn hoá Phố Hiến.
                                                                                      Nguyễn Huệ
 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN