Đậm đà màu sắc văn hóa lễ hội Làng Nôm

Hàng năm, cứ đến ngày hội Làng Nôm (12 tháng Giêng âm lịch) du khách thập phương lại đổ về làng Nôm, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên để tham dự ngày hội làng và hòa mình vào không gian độc đáo, êm đềm mang đậm nét của làng quê Việt Nam. Không […]

        Hàng năm, cứ đến ngày hội Làng Nôm (12 tháng Giêng âm lịch) du khách thập phương lại đổ về làng Nôm, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên để tham dự ngày hội làng và hòa mình vào không gian độc đáo, êm đềm mang đậm nét của làng quê Việt Nam.

Không gian độc đáo nhưng hài hòa, êm đềm mang đậm nét của làng quê Việt Nam

Từ Hà Nội, đi theo Quốc lộ 5 chừng trên dưới 20km, rẽ trái khoảng mươi cây số nữa, ta sẽ gặp làng Nôm, tên gọi cũ của làng là Đại Đồng, Huyện Văn Lâm, Tỉnh Hưng Yên. Làng Nôm là một ngôi làng cổ với kiến trúc cổ kính mang đậm nét truyền thống của người Việt cổ phù hợp với điều kiện kinh tế, thiên nhiên với đa phần là nông dân sống dựa vào nông nghiệp lúa nước.
Kiến trúc và con người nơi đây được tác giả Minh Khuê gói gọn vào mấy câu thơ đầy tâm sự và mộc mạc: Mái đình cổ kính rêu phong/ đường đi lát gạch giếng trong bốn mùa/ hai bên là những nhà thờ/ đến ngày lễ hội trống cờ rộn vang/ giữa làng cầu cổ vắt ngang/ đường đi tới chợ ngập tràn bán mua/ qua trợ rồi lại đến chùa/ là nơi cổ kính lại vừa tâm linh/ cây đa giếng nước sân đình/ cầu nôm đồng nát quê mình quê ta.

Đám rước kiệu đi qua cầu Nôm

Người làng Nôm có đời sống tín ngưỡng, tâm linh phong phú. Trong một năm, nhiều lễ hội được tổ chức (12 tháng Giêng hội làng, 13 tháng Giêng các dòng họ làm lễ tế Xuân, 15 tháng Giêng làm lễ Thượng nguyên, 15 tháng Tư lễ Trung nguyên, 15 tháng Bảy lễ Hạ nguyên và 21 tháng Chạp là lễ Tất niên). Trong ngày hội làng, đàn ông trong làng đến tuổi 55 được khao lão, người đi xa không về thì phải nộp lệ trình làng. Con gái làng đi lấy chồng phải cung tiến vào đình 20 mâm đồng hoặc xây dựng vài chục mét đường làng bằng gạch (ngày nay, tập tục này đã được bãi bỏ).

Tiết mục múa rồng điêu luyện tại lễ hội làng Nôm. Ảnh: Phú Giang

Từ ngày hôm trước diễn ra lễ hội dân làng nôm đã tổ chức lễ “Bao sái”- lễ rước nước từ giếng đá chùa về đình để các bô lão “tắm rửa” cho thánh , Đúng 8 giờ sáng 11 tháng giêng, đám rước hội bắt đầu xuất phát từ đình. (Đình thờ thánh Tam Giang) mọi người trong làng rước thánh từ đình làng ra chùa để rước mẹ và đón vợ từ chùa về đình cùng thụ hưởng, chung vui ngày lễ hội.

Quang cảnh đám rước nhìn từ trên cao

Du khách thập phương khi đến làng Nôm xem hội có thể thưởng thức khung cảnh hữu tình hát Quan họ du thuyền trên ao làng, rồi cùng nhau đi vãn cảnh Chùa Nôm, thỉnh Phật, Thánh cầu bình an, xin quẻ may mắn đầu năm, ai ai cũng với tâm thái hồ hởi, phấn chấn, nét mặt rạng ngời như rất tự hào về Quê hương và Tổ tiên.
Không chỉ dừng lại ở giá trị lịch sử, làng Nôm còn có một không gian độc đáo nhưng hài hòa, êm đềm mang đậm nét của làng quê Việt Nam. Điều ấn tượng và đáng trân trọng nhất ở làng Nôm là nếp sống thôn quê, mộc mạc và chân thành. Chính vì những giá trị trên mà năm 1994, làng Nôm đã được nhà nước công nhận là quần thể di tích. Và đến năm 2007, Sở VH,TT&DL
Hưng Yên đã đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận làng Nôm là di sản quốc gia.

Theo: Báo Người tiêu dùng

 
 






TIN BÀI LIÊN QUAN