ĐẶC SẮC TRÒ CHƠI VẬT LẦU TRONG LỄ HỘI ĐÌNH QUAN XUYÊN

Ngày đăng: 13/03/2023
Làng Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu nằm ven bờ sông Hồng, là một vùng quê thanh bình và trù phú.

          Khi đặt chân tới mảnh đất này, du khách sẽ được thả hồn vào bức tranh phong cảnh hữu tình, rời xa sự xô bồ, náo nhiệt nơi phố thị. Khởi đầu năm mới, lễ hội đình Quan Xuyên được tổ chức để tưởng nhớ công ơn tiên tổ, là dịp để con cháu của các dòng họ tìm về với văn hóa, nguồn cội.

           Xưa kia, lễ hội đình Quan Xuyên được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, nhưng sau này vào năm 1938 cụ Cao Văn Linh (làm thống phán toà sứ Hưng Yên) thấy dân làng tổ chức lễ hội hàng năm tốn kém, đã quy định lịch tổ chức lễ hội vào các năm "Thìn, Tuất, Sửu, Mùi" (tức 3 năm một lần). Qua một thời gian bị mai một, từ năm 1991 lễ hội đình Quan Xuyên được khôi phục và diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10-12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội đình Quan Xuyên được bảo lưu gần như nguyên vẹn cả phần Lễ và phần Hội, trong đó trò chơi vật lầu là một phần không thể thiếu của hội làng Quan Xuyên từ bao đời nay.

         Trò chơi “vật lầu” được tổ chức trong 2 ngày 12 và 13 của lễ hội. Theo truyền thống, trước khi vật lầu thì tổ chức vật lão. Tham gia vật lão là 2 cụ cao niên đại diện cho làng Thượng và làng Hạ, gia đình con cháu đuề huề, sung túc, gương mẫu, được dân làng kính trọng. Sau nghi lễ dâng hương, trước cửa đình và ra trình làng, 2 cụ bắt đầu biểu diễn những động tác võ thuật "Long chầu, Phượng múa". Vật lão diễn ra 2 keo, mỗi keo khoảng 5 phút. Kết thúc vật lão, các vật thủ trẻ sẽ lao vào giành lấy những sợi tua rua màu đỏ quấn quanh thắt lưng 2 cụ để buộc vào tay với hy vọng gặp nhiều may mắn và được tiếp thêm sức mạnh khi tham gia vật lầu. Vật lão ngoài tinh thần thượng võ còn thể hiện sự kính trọng người cao niên.

          Tham gia vật lầu là 72 tráng đinh, được chia làm 2 đội làng Thượng và làng Hạ với trang phục đỏ và xanh. Quả lầu hình tròn, sơn son, mài nhẵn, làm bằng gỗ mít và được thờ trang trọng trong đình vì theo như các cụ cao niên trong làng thì quả lầu là vật linh thiêng và quan trọng nhất trong trò chơi vật lầu. Sân vật lầu là một sân đất rộng trước cửa đình, ở chính giữa có một lỗ lầu khoảng 1,2m được đổ đầy nước gọi là hố lầu cái, hai bên về phía cuối sân là hai lỗ lầu con, nhỏ và nông hơn. Quả lầu sẽ được ném xuống lỗ lầu cái, vật thủ hai bên sẽ nhảy xuống, dùng lưng của mình đẩy quả cầu trồi lên. Sau đó các vật thủ sẽ tì lưng quây quanh quả lầu, choãi chân chèo gắng sức đẩy quả lầu về phía lỗ lầu con của đội mình. Màn vật lầu sẽ diễn ra 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 15 phút, hoặc đến khi quả lầu được đưa về lỗ lầu của đội nào đó. Mọi người hòa chung khí thế hào hứng, hò reo cổ vũ, tiếng trống cổ động làm rộn rã cả một vùng quê.

          Do quan niệm làng nào thắng sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, còn làng kia gặp nhiều đen đủi nên cả hai đội thường giữ tỉ số hòa để cả làng mình và làng bạn đều hoan hỉ. Rất đặc sắc so với các trò chơi dân gian khác, vật lầu có tính đua tranh nhưng không quá quyết liệt và không hề xảy ra xô xát. Tất cả ai nấy đều phấn khởi, bởi nó chỉ là trò chơi mang tinh thần thượng võ, cầu cho mưa thuận, gió hòa, một năm mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh. Nét đẹp ở trò chơi dân gian này là tinh thần hữu hảo, đoàn kết, gắn bó. Họ cùng chung ước vọng về sự bình yên, ấm no, hạnh phúc và mong muốn khởi đầu thật nhiều may mắn cho một năm mới. Đây cũng chính là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau một năm miệt mài lao động sản xuất và cũng là ngày đoàn viên các con cháu ở nơi xa.

          Có thể nói, lễ hội đình làng Quan Xuyên đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, văn hóa lịch sử, giúp cho thế hệ trẻ hướng về nguồn cội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đặc biệt, thu hút được lượng lớn khách du lịch, góp phần vào mục tiêu đưa Hưng Yên trở thành tỉnh có sức hút về du lịch . 

                                                                                                                          TTXTDL

 






TIN BÀI LIÊN QUAN