Đặc sắc lễ hội đền Hoá Dạ Trạch

Cứ đến mùng 10/2 - 12/2 âm lịch những người con Hưng Yên xa xứ và du khách thập phương lại hồ hởi, nô nức về tham dự lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở Đền Hóa Dạ Trạch thuộc xã Dạ Trạch huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đến đây, du khách được thoả mãn nhu cầu tâm linh và hòa mình vào không khí rộn ràng của lễ hội để cảm nhận những nét đẹp văn hoá đặc sắc của nơi đây.

             

         Lễ hội đền Hoá Dạ Trạch (còn có tên gọi là Lễ hội tổng Vĩnh, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Lễ hội tình yêu) nhằm tưởng nhớ về một tình yêu bất tử, ca ngợi lòng hiếu thảo, đạo làm người và tôn vinh công lao của Đức Thánh Chử (một trong Tứ bất tử của Việt Nam) cùng nhị vị phu nhân có công mở mang bờ cõi, cứu nhân độ thế. Lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2023.

         Theo nghi thức cổ truyền, trước khi vào lễ hội, ngày mồng 9/2 là lễ mở cửa đền - gọi là lễ Mục dục. Ngày mồng 10/2 diễn ra nghi thức rước kiệu ra sông Hồng lấy nước về lễ Thánh. Đây là nghi thức tâm linh đặc sắc thể hiện tín ngưỡng cầu nước của cư dân nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Nổi bật là đoàn rước kiệu với dòng người quần áo chỉnh tề, sắc màu rực rỡ nối tiếp nhau như một thuyền rồng khổng lồ lướt sóng.

          Đi đầu là đội múa rồng vàng uốn lượn, theo sau là đội tế, đội trống, đội cờ, bát bửu, kiệu choé đựng nước. Tiếp đến là kiệu Long Đình, 3 cỗ kiệu hoành tráng trên là Long ngai của Thánh Chử - Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa. Theo sau là kiệu Bế ngư thần quan (thờ ông Bế là tín ngưỡng thờ cá nguyên thủy của cư dân chinh phục đầm lầy; kiệu gậy nón - biểu tượng gợi nhớ 2 vật thiêng của Thánh Chử đi cứu nhân độ thế,…;

          Đoàn rước ra tới sông Hồng, đôi rồng vàng cùng kiệu khiêng choé nước xuống thuyền để thực hiện nghi lễ lấy nước. Trên sông Hồng, một đoàn thuyền nhấp nhô lướt sóng, cờ bay phấp phới, hoà cùng tiếng chiêng, tiếng trống, múa sinh tiền rộn ràng. Đoàn du thuyền ra đến giữa dòng thì dừng lại, một cụ già có đức độ, khoẻ mạnh, mặc lễ phục, tay cầm gáo dừa múc nước đổ vào choé cho đến khi đầy. Sau đó cả đoàn rước nước về đền lễ Thánh, dâng chóe nước vào Hậu cung.

          Khai hội thật rộn ràng với màn trống hội là sự hòa âm của những chiếc trống to nhỏ như một lời hiệu triệu đầy khí thế, khiến ai xem cũng háo hức và thêm tự hào về truyền thống của quê hương. Đặc sắc ở lễ hội còn có điệu múa đánh bồng, những người đàn ông giả nữ váy thâm yếm nâu, khăn mỏ quạ, khoác trống cơm nhảy múa làm cho không khí lễ hội càng thêm náo nhiệt.

          Ngày 11/2 diễn ra tế lễ tại đền do các đội tế nữ của xã và các xã lân cận về đền tế Thánh. Đến ngày 12/2 là lễ Phát du, trước kia đoàn rước lên đình Đông Kim (thuộc xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu - quê của Tây Sa công chúa) để làm lễ. Những năm gần đây, phạm vi đám rước chỉ diễn ra trong địa phận các làng thuộc xã Dạ Trạch, qua khu đầm Nhất Dạ và dừng chân tại đình Đức Nhuận (cùng xã) tế lễ. Buổi chiều đoàn rước phát du quay trở về đền Hóa.

          Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống như: đập niêu đất, ném bóng rồ, bắt vịt, đi cầu kiều bắc qua hồ bán nguyệt, đánh đu, chọi gà,.... thưởng thức chương trình ca múa nhạc, hát quan họ trên hồ bán nguyệt....

Đặc biệt là nghệ thuật hát trống quân ở Dạ Trạch - là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc, một hình thức hát giao duyên từ lâu của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

         Đến hẹn lại lên, mùa xuân năm nay mình cùng đi trẩy hội đền Hoá, trải nghiệm và khám phá những giá trị đặc sắc trong phong tục, tập quán của con người, vùng đất nơi đây.                                                                                                                                                                                                                     TTXTDL

 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN