Chuyện tình chàng trai nghèo họ Chử và con gái Vua Hùng

Trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) có một ngôi đền đặc biệt tên là đền Giếng thờ công chúa Tiên Dung, con gái Vua Hùng thứ 18. Nhiều người thường tới đền Giếng để cầu tình duyên, mong ước có lứa đôi, hạnh phúc, viên mãn. Ở Hưng Yên cũng có hai ngôi đền đặc biệt như thế, đó là đền Đa Hòa ở xã Bình Minh và đền Hóa Dạ Trạch ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu).

Cả 2 ngôi đền này đều cùng thờ phụng công chúa Tiên Dung và Đức thánh Chử Đồng Tử, đồng thời gắn với huyền thoại đẹp về một thiên tình sử lãng mạn, bất hủ giữa chàng trai nghèo họ Chử và con gái Vua Hùng.

 

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại đền Đa Hoà, xã Bình Minh (Khoái Châu)


Chuyện kể rằng, vào một ngày đẹp trời, công chúa Tiên Dung đi du xuân trên sông Hồng, đến khu vực bãi Tự Nhiên thấy cảnh đẹp, nàng muốn dừng chân đắm mình giữa chốn thiên nhiên thơ mộng. Khi nàng cho người quây màn để tắm giữa sông, không ngờ lại đúng chỗ chàng trai họ Chử nghèo khó không có nổi tấm khố che thân đang phải giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Trước người con gái có thân thể ngọc ngà, Chử Đồng Tử sợ hãi định chạy trốn. Sau giây phút bỡ ngỡ ban đầu, nghe Chử Đồng Tử kể về số phận nghèo khổ của mình, Tiên Dung đã động lòng và bình tĩnh nói: "Ta và chàng tình cờ gặp nhau ở đây, đều mình trần như¬ thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt". Liền đó, Tiên Dung truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên dù không được nhà vua chấp nhận.


Tiên Dung là công chúa - con gái của Vua Hùng. Nàng chính là “lá ngọc, cành vàng” sống trong nhung lụa, cao quý. Ngược lại, Chử Đồng Tử là một chàng trai đánh cá nghèo tới nỗi hai cha con chỉ có một chiếc khố thay phiên nhau mặc. Nếu so về thân phận, địa vị thì Chử Đồng Tử và Tiên Dung ở hai phía đối ngược không bao giờ có thể hòa hợp nhưng hai con người ở hai tầng lớp khác nhau ấy đã gặp được nhau để xây đắp lên một câu chuyện tình bất tử. Qua đó, nó thể hiện mong ước về tình yêu không bị ngăn cản, phân chia bởi địa vị sang hèn mà được tự do tìm hiểu, lựa chọn, được sống hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi. Mặt khác, mối tình của công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử là vừa gặp đã yêu nhưng tuyệt nhiên không hề hời hợt. Hai người đã đồng lòng vun đắp tình yêu trải qua mọi khó khăn. Dù chuyện hôn nhân bị nhà vua phản đối, từ mặt nhưng Tiên Dung đã từ bỏ vinh hoa, phú quý kiên quyết ở lại cùng chồng, bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. 


Cảm động tr¬ước mối tình Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa nên khi mất đã được Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ phụng. Năm 1894, đền Đa Hòa được tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay thuộc huyện Văn Giang) vận động Nhân dân công đức, xây dựng trên nền của ngôi đền cổ. Đền Đa Hoà không chỉ là nơi lưu giữ một huyền tích mang đậm giá trị nhân văn mà còn là một công trình kiến trúc đặc sắc của triều Nguyễn. Ngôi đền gồm 18 nóc nhà lớn, nhỏ với tổng diện tích 18.720m2. Con số 18 nhắc nhở người đời sau nhớ đến công chúa Tiên Dung khi đó 18 tuổi và là con Vua Hùng thứ 18… Đứng từ trên đê cao nhìn xuống ta sẽ thấy 18 nóc nhà với kiểu dáng con thuyền mũi cong, được đỡ bởi 2 con vật có mặt rồng, mình sư tử giống như 18 con thuyền đang quần tụ dập dềnh trên sóng nước. Hình ảnh này tái hiện cảnh đoàn thuyền của Tiên Dung công chúa đang du ngoạn trên bến sông thuở nào. Còn đền Hóa Dạ Trạch tương truyền được xây dựng trên nền cao của lâu đài thành quách xưa, ngay sau khi Đức thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung hóa về trời. Cả hai ngôi đền còn gìn giữ được nhiều cổ vật quý hiếm, trong đó có đôi lọ Bách Thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào). 


Hằng năm, từ ngày 10 đến 12 tháng 2 (âm lịch), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung lại được chính quyền và Nhân dân địa phương tổ chức ở đền Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch, là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước. Các nghi lễ truyền thống như rước kiệu thánh, rước nước từ sông Hồng, dâng hương, tế lễ được thực hiện trang trọng. Ngoài phần lễ, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao như: Cờ tướng, bơi chải, hát ca trù, hát trống quân, thi múa rồng, điệu múa “đĩ đánh bồng” vui nhộn… thu hút đông đảo du khách khi đến với Hưng Yên. 
Tới tham quan, chiêm bái đền Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch đặc biệt vào dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày mùng 10/3 âm lịch), sẽ mang đến cho du khách và Nhân dân những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, truyền thống văn hóa, con người Việt Nam luôn đoàn kết, yêu thương và hướng thiện.


                                                                                                                            Theo: Lê Hiếu - Báo Hưng Yên






TIN BÀI LIÊN QUAN