Xây dựng môi trường văn hóa tại các Khu du lịch quốc gia

(TITC) - Ngày 02/4/2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đã chủ trì hội thảo “Các tiêu chí và giải pháp xây dựng môi trường văn hóa tại các khu du lịch quốc gia ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến ở 29 điểm cầu trên toàn quốc, gồm các địa phương có khu du lịch quốc gia đã được công nhận và các địa điểm tiềm năng quy hoạch là khu du lịch quốc gia.

 

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TITC

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc khẳng định: Xây dựng môi trường văn hóa là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ trọng yếu được xếp song song với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và yêu cầu ‘‘Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…’’. Luật Du lịch số 09/2017/QH14 cũng xác định ‘‘Môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh’’.

Trong những vừa năm qua, ngành du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,7% trong giai đoạn 2015-2019, đóng góp trên 9,2% GDP cả nước, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong quá trình phát triển của ngành du lịch, bên cạnh những đóng góp tích cực về mặt kinh tế - xã hội thì vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế về môi trường văn hóa, an ninh, an toàn đối với du khách, sản phẩm du lịch kém chất lượng, tình trạng chéo kéo khách du lịch vẫn còn tồn tại… gây ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu và hình ảnh của du lịch Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia góp phần phát triển du lịch bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức hội thảo này với mong muốn nhận đươc nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp hoàn thiện bộ tiêu chí quản lý môi trường văn hóa ở các khu du lịch quốc gia.

Ông Nguyễn Quý Phương phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: TITC

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ phê duyệt ngày 22/01/2013, cả nước có 46 khu vực tiềm năng được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia. Theo dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ đã xác định 59 khu vực tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Hiện nay cả nước đã có 7 khu du lịch quốc gia được công nhận, gồm: (1) Khu DLQG Sa Pa, tỉnh Lào Cai; (2) Khu DLQG Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ; (3) Khu DLQG Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh; (4) Khu DLQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; (5) Khu DLQG Mũi Né, tỉnh Bình Thuận; (6) Khu DLQG hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng; (7) Khu DLQG Núi Sam, tỉnh An Giang.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, qua báo cáo của các địa phương và nghiên cứu thực tiễn cho thấy, hiện nay chưa có quy định pháp lý quy định riêng về môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch. Trong khi đó, môi trường văn hóa tại khu du lịch quốc gia sẽ có tác động lớn tới việc lựa chọn điểm đến của du khách, góp phần gây dựng một hình ảnh và thương hiệu trong tâm trí của khách du lịch về điểm đến. Môi trường văn hóa tốt sẽ tạo ra trải nghiệm du lịch đặc sắc và không gian an toàn cho du khách, thúc đẩy hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Một môi trường văn hóa tốt có thể giúp kích thích doanh nghiệp địa phương và tăng thu nhập cho cộng đồng, đảm bảo rằng các di tích lịch sử, văn hóa được bảo tồn và quản lý một cách bền vững.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC

Nhóm nghiên cứu đề tài đã dự thảo đề xuất Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia gồm 5 nhóm với gần 50 tiêu chí, gồm: (1) Nhóm tiêu chí liên quan xây dựng thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa cho hoạt động du lịch tại khu du lịch quốc gia; (2) Nhóm tiêu chí liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị phong tục, tập quán và các giá trị tài nguyên du lịch khác trong hoạt động du lịch tại Khu du lịch quốc gia; (3) Nhóm tiêu chí về xây dựng đạo đức lối sống quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tại Khu du lịch quốc gia; (4) Nhóm tiêu chí phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa phục vụ du lịch; (5) Nhóm tiêu chí đặc thù riêng về phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động du lịch tại khu du lịch quốc gia.

Các tiêu chí để đạt được danh hiệu khu du lịch quốc gia ở Việt Nam khá cao và khắt khe. Do vậy các khu du lịch quốc gia cũng được coi như biểu tượng hay đại diện cho điểm đến du lịch Việt Nam. Với vai trò đại diện này các khu du lịch phải đảm bảo thương hiệu của mình. Việc đảm bảo các tiêu chí môi trường văn hóa của khu lịch quốc gia sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, xây dựng hình ảnh các khu du lịch quốc gia nói riêng và điểm đến Việt Nam hấp dẫn nói chung.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu làm rõ thêm về tình hình thực tiễn về môi trường văn hóa tại các khu du lịch quốc gia, nêu lên những bài học kinh nghiệm ở trong nước và quốc tế về quản lý môi trường văn hóa tại các khu du lịch, điểm du lịch. Các đại biểu cũng góp ý trực tiếp về dự thảo bộ tiêu chí để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Đồng thời các đại biểu mong muốn, bộ tiêu chí này sẽ sớm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị căn cứ triển khai thực hiện, góp phần quản lý môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển du lịch bền vững.

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Quốc gia Việt Nam 






TIN BÀI LIÊN QUAN