Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác 3 bên giữa UNWTO, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Duy Tân về việc tổ chức Hội thảo (Ảnh: TITC)
Tham dự hội thảo có ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; ông Harry Hwang - Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO; Anh hùng lao động - Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Duy Tân; bà Ji-eun Kang - Giám đốc Phòng Chính sách Du lịch (Bộ VHTTDL Hàn Quốc); các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của khu vực miền Trung và thành phố Đà Nẵng cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc Hội thảo (Ảnh: TITC)
Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, giai đoạn COVID-19 ảnh hưởng trên bình diện toàn cầu đã khiến cả thế giới nhận ra vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống con người. Giờ đây, chính du lịch đang góp phần tích cực nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Theo báo cáo của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới tại Đại hội đồng lần thứ 25 vừa qua, khách du lịch quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 700 triệu lượt, phục hồi được 84% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả phục hồi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới, khi có những vùng như Trung Đông đã đón được nhiều khách hơn trước đại dịch. Điều này đặt ra thách thức chung cho khu vực, cũng như mang đến nhiều cơ hội nếu như khu vực biết cách nắm bắt.
Thứ trưởng cho rằng để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới này, cần nhìn nhận và tư duy lại về du lịch theo hướng bền vững và tự cường, quan tâm hơn đến tăng trưởng xanh và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và xúc tiến điểm đến. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò thiết yếu của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cấp quản lý. Với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực du lịch - Giải quyết những thách thức sau COVID-19”, hội thảo lần này thực sự rất nhạy bén, đặt ưu tiên giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất của ngành sau đại dịch, đó là đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng đội ngũ lao động du lịch.
Toàn cảnh lễ khai mạc Hội thảo (Ảnh: TITC)
Thông tin về tình hình du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, du lịch Việt Nam sau gần hai năm mở cửa đã từng bước phục hồi, nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cấp các ngành với nhiều chính sách tạo thuận lợi để phát triển. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi được 69% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt qua mục tiêu ban đầu đề ra là 8 triệu lượt cho cả năm. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo sinh kế người dân, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Các vị lãnh đạo tham dự lễ khai mạc (Ảnh: TITC)
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kỳ vọng hội thảo lần này sẽ có nhiều đề xuất giải pháp hữu ích, hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoạch định các chính sách, chương trình, chiến lược phù hợp nhằm đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ lao động chất lượng, có khả năng thích ứng cao và bền bỉ, sẵn sàng ứng phó trước khủng hoảng cũng như góp phần chung tay đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương mạnh mẽ và tự cường hơn.
Ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO
Theo ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO, Hội đồng chuyên gia của UNWTO cũng có quan điểm rằng tình trạng thiếu nhân lực vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp du lịch khi họ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu đi lại cao, chẳng hạn trong trường hợp của Châu Á - Thái Bình Dương, sau khi một số thị trường nguồn và điểm đến trong khu vực mở cửa trở lại gần đây, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Và điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là đại dịch đã khiến các doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa và sa thải hàng loạt, dẫn đến việc người lao động phải được bố trí lại sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Rõ ràng rằng, làn sóng di chuyển của người lao động khỏi ngành du lịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt kỹ năng, ông Harry Hwang cho biết.
Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO tin tưởng rằng, hội thảo sẽ có những thảo luận, chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm rất hấp dẫn và thú vị cùng với chuyên gia tư vấn chính của UNWTO cũng như nhiều diễn giả và chuyên gia khác đến từ giới học thuật, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong việc giải quyết những thách thức về lao động mà ngành du lịch đang phải đối mặt trong thời điểm hậu đại dịch này.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (Ảnh: TITC)
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố Đà Nẵng được định vị là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn và là cửa ngõ quốc tế của miền Trung, Việt Nam. Đến nay với hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, sản phẩm du lịch da dạng và đặc sắc cùng đội ngũ nguồn nhân lực cơ bản, Đà Nẵng đã và đang khẳng định thương hiệu là điểm đến được yêu thích trên bản đồ du lịch thế giới với nhiều giải thưởng, danh hiệu như: “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á” năm 2016, 2022 do World Travel Awards trao tặng; Top 3 thành phố tốt nhất Đông Nam Á năm 2022 do Tạp chí du lịch Travel + Leisure bình chọn; Mỹ Khê - Đà Nẵng thuộc top 10 bãi biển đẹp nhất châu Á năm 2023 do TripAdvisor bình chọn và nhiều danh hiệu uy tín khác.
Ông Trần Chí Cường khẳng định, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ UNWTO, các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức thêm nhiều sự kiện ý nghĩa giúp các điểm đến nâng cao năng lực phục vụ, đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, và phát triển du lịch bền vững.
Các vị lãnh đạo, đại biểu chụp hình lưu niệm (Ảnh: TITC)
Được biết, Hội thảo Đào tạo cấp quản lý về Chính sách và Chiến lược Du lịch lần thứ 17 của UNWTO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sự kiện thường niên nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực cho các nước thành viên. Hội thảo lần này với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực du lịch - Giải quyết những thách thức sau COVID-19” sẽ diễn ra từ ngày 13-16/11, gồm Phiên khai mạc, Diễn đàn UNWTO về Phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch và bốn phiên thảo luận chuyên đề, bao gồm các bài phát biểu chính, phần hỏi đáp, thảo luận, trình bày và tham luận của các quốc gia thành viên.
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam