Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản đồng tổ chức. Đây là một trong những sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của ngành du lịch hai quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tham dự hội thảo có ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý du lịch địa phương, trường đại học, doanh nghiệp du lịch hai nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu chào mừng hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chia sẻ, với lịch sử giao lưu nhân dân và tròn nửa thế kỷ hai nước hợp tác, cùng phát triển kể từ khi chính thức thiết lập ngoại giao (21/9/1973 – 21/9/2023), Việt Nam và Nhật Bản đã chung tay vun đắp nên mối quan hệ hữu nghị hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả, dựa trên nền tảng là sự tương đồng về văn hoá, sự gắn kết lịch sử bền chặt và sự tin cậy chính trị cao.
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá, du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Gần đây nhất, hoà chung trong dòng sự kiện này, tại Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều hoạt động về văn hoá, du lịch được tổ chức như Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2023, Không gian văn hoá ẩm thực, Lễ hội Phở Việt Nam… được đông đảo người dân, du khách hưởng ứng. Điều đó cho thấy hợp tác phát triển du lịch và văn hoá giữa hai nước ngày càng bền chặt, gắn kết và mang lại nhiều kết quả.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết ngành du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Tính đến 9 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,9 triệu lượt, trong đó thị trường khách Nhật Bản đạt 414 nghìn lượt khách, đứng thứ 5 trong top các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam; khách du lịch nội địa đạt 93,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 536,5 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo sinh kế người dân, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển du lịch, đặc biệt ở các địa phương, điểm đến có tăng trưởng mạnh về khách quốc tế và nội địa, đó chính là tình trạng quá tải khách du lịch. Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách du lịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường; ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành của điểm đến; chất lượng cuộc sống người dân địa phương.
Thứ trưởng mong đợi các chuyên gia du lịch Việt Nam và Nhật Bản sẽ trao đổi, tham luận các chủ đề liên quan nhằm đưa ra các sáng kiến, giải pháp thiết thực liên quan đến quá tải khách tại các trung tâm du lịch và phát triển điểm đến vệ tinh.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), nguyên nhân của sự quá tải do sự bùng nổ của du lịch sau đại dịch Covid-19, tính mùa vụ của nhiều điểm đến, kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế, thiếu quy hoạch sức chứa tại điểm đến, chưa có phương án điều tiết khách hợp lý, sản phẩm chưa đa dạng. Quá tải khách du lịch đã tác động không nhỏ đến môi trường, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng tại điểm đến cũng như tác động tới tâm lý khách du lịch. Những tác động này gây suy giảm giá trị trải nghiệm, giảm sút chất lượng sản phẩm, dịch vụ, làm mất uy tín hình ảnh điểm đến.
TS. Nguyễn Anh Tuấn đưa ra một trong những giải pháp cho vấn đề này là phát triển điểm đến vệ tinh nhằm chia sẻ lượng khách tại các trung tâm. Tuy nhiên vẫn tồn tại khó khăn và thách thức như nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, thiếu đồng bộ kết nối hạ tầng, thiếu định hướng và chiến lược trong phát triển sản phẩm, khó khăn trong huy động nguồn vốn, cơ chế chính sách chưa thống nhất, sự liên kết giữa các địa phương còn yếu.
Do đó cần phải tạo cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư thuận lợi; tăng cường liên kết giữa trung tâm và điểm đến vệ tinh; cải thiện cơ sở hạ tầng; chú trọng đến quản lý môi trường; xác định thị trường khách trước khi phê duyệt dự án đầu tư; xây dựng bộ tiêu chí và hướng dẫn các địa phương xây dựng điểm đến vệ tinh bền vững.
Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo. Ảnh: TITC
Đại diện Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) đã chia sẻ về những xu hướng du lịch inbound mới nhất và những nỗ lực của JNTO để hướng tới du lịch bền vững. Theo đó, hiện nay Nhật Bản đang tập trung phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ, nuôi dưỡng môi trường vùng, bảo vệ và nuôi dưỡng văn hóa vùng, bảo hộ và nuôi dưỡng kinh tế vùng. Các biện pháp đang triển khai gồm kiềm chế và phòng ngừa du lịch thái quá, nới lỏng và kiểm chế sự đông đúc và xúc tiến du lịch phối hợp cùng người dân địa phương.
Hội thảo đã nghe các bài trình bày của các diễn giả trong phiên trao đổi, thảo luận từ thực tiễn phát triển của những điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa tại Niseko (tỉnh Hokkaido) và Sa Pa (tỉnh Lào Cai); trao đổi của chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, lữ hành về vấn đề quản lý sức chứa, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch bền vững.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu tổng kết hội thảo, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, du lịch quá tải đã là một thách thức đối với ngành du lịch Nhật Bản và hiện cũng là một vấn đề bất cập của du lịch Việt Nam. Người dân địa phương ở các khu vực du lịch trọng điểm đã phải chịu đựng các vấn đề như tình trạng đông đúc, tắc nghẽn giao thông, rác thải và tiếng ồn. Vì vậy, ngành du lịch cần tính đến khả năng đa dạng hóa điểm đến và trải nghiệm du lịch, xem đây là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức đồng thời cho phép ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.
Tình trạng quá tải khách tại các trung tâm du lịch hiện nay phần lớn xảy ra bởi tính mùa vụ của điểm đến, hạn chế về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, thiếu quy hoạch và quản lý sức chứa tại điểm đến, phương án điều tiết khách chưa hợp lý và sản phẩm du lịch bổ trợ chưa đa dạng.
Quá tải khách du lịch mang lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa, xã hội cho các địa phương và điểm đến, đặc biệt ảnh hưởng đến trải nghiệm và tâm lý của khách du lịch, từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu du lịch của quốc gia.
Để quản lý sức chứa, các địa phương, điểm đến cần lên kế hoạch có các biện pháp phòng ngừa và biện pháp giải quyết. Cần xây dựng kế hoạch quản lý môi trường du lịch, các hình thức quản lý sức chứa thông qua giá vé, điều phối luồng khách; quy hoạch và xây dựng đề án phát triển du lịch cần thông qua thảo luận, lấy ý kiến người dân để nhận được sự đồng thuận và hợp tác. Cần nỗ lực trong công tác nâng cao nhận thức của khách du lịch và người dân địa phương.
Các diễn giả trong phiên trao đổi. Ảnh: TITC
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh để hướng tới du lịch bền vững, giải quyết tình trạng quá tải, việc phát triển điểm đến vệ tinh là cần thiết và chắc chắn đi cùng đó là công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý triển khai thực hiện. Các điểm đến vệ tinh sẽ giúp chia sẻ lượng khách du lịch từ các trung tâm du lịch lớn đang quá tải, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, hỗ trợ mở rộng sinh kế và gia tăng thu nhập cho người dân bản địa, đồng thời dần cải thiện kết cấu hạ tầng du lịch tại các điểm đến vệ tinh và tạo động lực thúc đẩy kinh tế tại các điểm đến vệ tinh. Điểm đến vệ tinh giúp mở rộng không gian du lịch, tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến mới, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Để phát triển điểm đến vệ tinh, cần xác định "giá trị cốt lõi" của điểm đến, đó chính là nguồn tài nguyên du lịch mà người dân địa phương tự hào, khả năng kết nối giao thông và hình thành tuyến điểm du lịch với chuỗi sản phẩm du lịch. Tập trung khai thác các thị trường ngách để phát triển thị trường tại các điểm đến vệ tinh, tạo dấu ấn khác biệt.
Các địa phương, đặc biệt là tại các khu vực vệ tinh, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cốt lõi.
Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (ITDR ) và Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản (JTTRI). Ảnh: TITC
Tại hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (ITDR ) và Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản (JTTRI). Theo đó, hai bên sẽ nỗ lực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu du lịch chung bao gồm: Thực hiện các dự án nghiên cứu chung; Trao đổi nhà nghiên cứu và chuyên gia; Tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị và hội thảo; Trao đổi thông tin và dữ liệu du lịch; Tổ chức các chương trình và chuyến làm việc ngắn hạn đặc biệt.
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam