Việt Nam tham dự các hội nghị khu vực chuẩn bị cho Đại hội đồng UN Tourism lần thứ 26

Ngày đăng: 16/04/2025
(TITC) - Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 15/4, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Uỷ ban Đông Á-Thái Bình Dương lần thứ 56 (56th CA) và Hội nghị Liên Ủy ban Đông Á-Thái Bình Dương và Nam Á lần thứ 37 (37th CAP-CSA) diễn ra tại Indonesia.

 

Hội nghị có sự tham dự của Tổng Thư ký UN Tourism Zurab Pololikashvili, các Giám đốc Điều hành của UN Tourism, Bộ trưởng/Trưởng đoàn các nước thành viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các thành viên liên kết của UN tourism (Traveloka, Amadeus, ForwardKeys, JATA…)

Đây là hai hội nghị quan trọng của khu vực chuẩn bị cho Đại hội đồng Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) lần thứ 26 dự kiến tổ chức từ ngày 07-11/11/2025 tại Ả-rập Xê-út.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Phiên khai mạc các Hội nghị, bà Widiyanti Putri Wardhana, Bộ trưởng Bộ Du lịch nước chủ nhà Indonesia đánh giá cao các nước thành viên khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UN Tourism trong việc triển khai các hoạt động, sáng kiến và dự án phát triển du lịch, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi tích cực cho đất nước và cho cả khu vực. Theo bà Widiyanti, đây là thời điểm thích hợp để các nước thành viên chia sẻ những thông lệ tốt trong phát triển du lịch, đặc biệt trong việc tăng cường các đóng góp trực tiếp và gián tiếp của du lịch tới cộng đồng.

Tại hội nghị Uỷ ban Đông Á-Thái Bình Dương lần thứ 56, Việt Nam và các nước thành viên của Ủy ban đã bỏ phiếu bầu ra ứng cử viên giới thiệu vào các vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UN Tourism lần thứ 26 (Philippines), thành viên Uỷ ban Chứng thư của Đại hội đồng UN Tourism lần thứ 26 (Lào), Chủ tịch Uỷ ban Đông Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2025-2027 (Philippines), Phó Chủ tịch Uỷ ban Đông Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2025-2027 (Nhật Bản, Fiji). Các ứng cử viên sẽ được bỏ phiếu chính thức thông qua tại Đại hội đồng UN Tourism lần thứ 26.

Ngoài ra các nước thành viên của Ủy ban cũng đã bỏ phiếu thông qua thành viên các cơ quan trực thuộc Hội đồng Điều hành nhiệm kỳ 2025-2029 gồm Ủy ban Đào tạo Du lịch trực tuyến (Hàn Quốc) và Ủy ban Bộ Quy tắc quốc tế về Bảo vệ khách du lịch nhiệm kỳ 2025-2029 (Indonesia).

Toàn cảnh Hội nghị 

Tại Hội nghị Liên Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương và Nam Á lần thứ 37, các nước thành viên của hai Ủy ban đã nghe Báo cáo chương trình hoạt động của UN Tourism năm 2024-2025, Báo cáo tình hình triển khai Chương trình hoạt động của UN Tourism năm 2024-2025 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Kết quả khảo sát về ưu tiên của các nước thành viên với Chương trình Công tác UN Tourism 2026-2027 và tầm nhìn dài hạn, Báo cáo về các hoạt động của Thành viên liên kết UN Tourism tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2024-2025.

Theo báo cáo của UN Tourism, năm 2024 có 1,4 tỷ lượt khách đi du lịch quốc tế, gần phục hồi như mức trước đại dịch (1,5 tỷ lượt năm 2019). Thời gian tới, tốc độ tăng trưởng khách du lịch sẽ đạt mức ổn định, sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ vừa qua. Dự báo khách du lịch quốc tế tăng khoảng 3-5% vào năm 2025. Về khách quốc tế đến, Việt Nam là nước đạt tỷ lệ phục hồi cao trong khu vực (98%) so với mức trung bình 87% của châu Á-TháiBình Dương.

Châu Á-Thái Bình Dương đang tiếp nhận cơ hội lớn đến từ nhu cầu du lịch tăng cao, chính sách thị thực thuận lợi, tăng kết nối hàng không và xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch nông thôn, chăm sóc sức khỏe và MICE, sự trở lại của thị trường Trung Quốc cũng là một động lực quan trọng. Tuy nhiên, khu vực vẫn đối mặt với thách thức gồm thiếu hụt lao động chất lượng cao, biến động tỷ giá, cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến, chi phí đi lại cao và suy giảm kinh tế tại các thị trường nguồn. Để đảm bảo phục hồi bền vững, các nước cần ưu tiên chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi xanh và nâng cao năng lực nhân lực du lịch.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, năm 2024, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến ​​sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Các quốc gia trong khu vực đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch mới, tăng cường kết nối điểm đến và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại thông qua các chính sách thị thực cởi mở và linh hoạt hơn. Những nỗ lực chung này không chỉ đẩy nhanh quá trình phục hồi mà còn mở đường cho sự tăng trưởng du lịch bền vững và khả năng phục hồi khu vực.

Đối với Việt Nam, năm 2024 là một năm tăng trưởng đáng kể với 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và phục hồi 98% so với trước đại dịch. Sự phục hồi đáng chú ý này được thúc đẩy bởi các sáng kiến ​​chiến lược, bao gồm việc đưa ra các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho thị thực mới, mở rộng các tuyến bay thẳng và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch. Việt Nam đã nắm bắt đúng các định hướng ưu tiên của UN Tourism, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, phát triển du lịch nông nghiệp và trao quyền cho cộng đồng… Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường nguồn quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu thông tin, Việt Nam là thành viên tích cực tham gia các sáng kiến, dự án và hoạt động do UN Tourism triển khai tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các hoạt động này đã giải quyết hiệu quả các xu hướng và nhu cầu của thị trường mới nổi, nâng cao năng lực của các quốc gia thành viên và cải thiện khả năng phục hồi trước những thay đổi của thị trường trong tương lai. Việt Nam vinh dự đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism tổ chức tại Quảng Nam vào tháng 12/2024, nhận được đánh giá cao bởi cộng đồng du lịch trong và ngoài nước. Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững và toàn diện, trao quyền cho cộng đồng địa phương, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế và xã hội.

Về tầm nhìn dài hạn, dựa trên những phát hiện khảo sát về các ưu tiên của các thành viên cho Chương trình công tác 2026-2027, Việt Nam mong muốn UN Tourism tiếp tục hỗ trợ các nước Châu Á - Thái Bình Dương giải quyết những thách thức lớn như bất ổn kinh tế toàn cầu, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng và cạnh tranh điểm đến gia tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam đề xuất hợp tác hơn nữa trong việc phát triển du lịch nông thôn, nâng cao nguồn nhân lực và tăng cường thông tin thị trường, đồng thời sẽ tiếp tục hưởng ứng, tham gia các hoạt động của UN Tourism trong thời gian tới.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ban Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RDAP), Văn phòng Hỗ trợ UN Tourism khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RSOAP) tại Nhật Bản và các Thành viên liên kết UN Tourism tổ chức các hoạt động và sự kiện chung trong tương lai.

Trong khuôn khổ sự kiện, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu sẽ tiếp tục tham dự Hội nghị Khu vực của UN Tourism: Chính sách du lịch trong kinh tế tuần hoàn vào ngày 16/4/2025 tại Jakarta.

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch/Phòng QHQT&XTDL - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

 






TIN BÀI LIÊN QUAN