Văn Giang- Tiềm năng du lịch

Nằm ở Trung tâm Đồng bằng sông Hồng, Văn Giang là huyện ở cực Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, giáp với hai huyện Văn Lâm và Thanh Trì – Hà Nội. Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, mảnh đất Văn Giang từ bao đời nay đã được thiên nhiên ban tặng đất đai, […]

Nằm ở Trung tâm Đồng bằng sông Hồng, Văn Giang là huyện ở cực Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, giáp với hai huyện Văn Lâm và Thanh Trì – Hà Nội. Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, mảnh đất Văn Giang từ bao đời nay đã được thiên nhiên ban tặng đất đai, sông nước trù phú.

Ấn tượng đầu tiên khi du khách đến Văn Giang có lẽ là cánh đồng trồng cây cảnh, nông sản nổi tiếng gần xa. Đối với mỗi người dân Văn Giang, đất chính là nguồn sống, là nơi để họ  đầu tư chất xám, sức lao động. Nghề trồng hoa, cây  cảnh nổi lên ở đây khoảng gần 20 năm nay nhưng rất phát triển. Xuôi từ Bát Tràng về Văn Giang, du khách dễ dàng bắt gặp những sạp bán cây cảnh đủ loại màu sắc bắt mắt và giá cả rất hợp lý.

Hiện nay diện tích trồng cây cảnh toàn huyện Văn Giang lên đến hơn 400 ha, trong đó bao gồm cây cảnh hàng năm như: Cam, quất, quýt, bưởi. Nhóm cây cảnh này tập trung ở các xã: Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở, Tân Tiến, Long Hưng, cung ứng chủ yếu do nhu cầu thị trường các tỉnh, thành trong cả nước vào dịp tết Nguyên Đán. Cây cảnh lâu năm bao gồm: Sanh, đa và lộc vừng diện tích gần 180 hécta, ngoài ra còn 70 hécta các cây cảnh khác như: tùng, si, ổi, tường vi, phi lao…. được trồng tập trung ở thị trấn Văn Giang, xã Long Hưng và Mễ Sở.


Chùa Mễ Sở

Văn Giang cũng như nhiều địa phương khác ở tỉnh Hưng Yên, tập trung rất nhiều các di tích lịch sử, hiện trên địa bàn huyện Văn Giang có 31 di tích trong đó có 16 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia như: chùa Mễ Sở, được khởi dựng thời Lê với nhiều mảng chạm khắc hoa văn đẹp, chùa hiện còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ phong phú, tiêu biểu trong số đó là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay. Đây là một công trình điêu khắc gỗ đẹp nổi tiếng, có giá trị mỹ thuật cao còn tồn tại rất ít trên đất nước ta; đình Đa Ngưu – ngôi đình trăm cột, là một di tích đồ sộ còn khá hoàn chỉnh về kiến trúc và điêu khắc mĩ thuật; đình Triệu Đà, ngôi đình mang đậm nét kiến trúc cung đình Huế với diện tích khoảng 13.000 m².
Mục đích của du lịch chính là tìm kiếm cái mới, khám phá văn hóa, ẩm thực của mỗi địa điểm chúng ta đặt chân đến. Về Văn Giang bên cạnh được thỏa mình trong khung cảnh làng quê, khám phá những nét độc đáo của di tích, lễ hội nơi đây, du khách cũng sẽ được thưởng thức những đặc sản ẩm thực vô cùng độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của mảnh đất này. Đó là bánh răng bừa, một loại bánh được làm từ chính hạt gạo được trồng trên mảnh đất Văn Giang, cùng với thịt băm, mọc nhĩ, tiêu, hành…. Một loại bánh dân dã nhưng khi thưởng thức mới cảm nhận được hương vị nhẹ nhàng, thanh mát; đó là bánh cuốn Mễ Sở; hay là món thịt Chuột vô cùng lạ và độc đáo dành cho du khách muốn khám phá những nét đặc sắc của làng quê Văn Giang.


Khu đô thị xanh Ecopark

Văn Giang không chỉ có những cánh đồng trù phú, quanh năm xanh tốt, nằm cạnh thị trấn Văn Giang và giáp với thủ đô Hà Nội là khu đô thị xanh Ecopark, với các khu biệt thự, vườn Cúc, vườn Tùng, vườn Mai và các tiện ích khác như công viên cây xanh, trường học, siêu thị… là một điểm đến lý tưởng dành cho những du khách muốn khám phá những nét độc đáo của kiến trúc đương đại, trải nghiệm không gian sống tiện nghi, hiện đại.
Xã hội càng phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao thì nhu cầu du lịch càng lớn. Đối tượng và mục đích du lịch cũng vô cùng đa dạng. Với những tiềm năng và lợi thế hiện có, Văn Giang có nhiều điều kiện để phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng quê…. Với vị trí địa lý rất gần với thủ đô Hà Nội cùng vẻ thanh bình đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, Văn Giang cũng là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với những du khách muốn tìm kiếm một không gian thanh bình, yên tĩnh.

TTTTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN