Thúc đẩy chuyển đổi số, nhất thiết phải hình thành các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia

Ngày đăng: 17/03/2023
Chuyển đổi số được xem là một điểm sáng của ngành du lịch trong thời gian qua với những nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với tình hình mới, hỗ trợ ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn. Thúc đẩy chuyển đổi số cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 được tổ chức vào sáng ngày 15/3 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

 

Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị, một điểm sáng của ngành du lịch chính là hoạt động chuyển đổi số. Đặc biệt, một hệ sinh thái chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành đang từng bước được hình thành trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam TravelThẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch. Việc hình thành hệ sinh thái đồng bộ sẽ giúp khắc phục tình trạng manh mún, “trăm hoa đua nở” trong ngành du lịch, tiết kiệm nguồn lực, tạo sức mạnh tổng thể, tăng cường tính liên kết.

Trong đó, nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển. Nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel là ứng dụng cốt lõi tích hợp nhiều tiện ích hỗ trợ khách du lịch trong suốt hành trình du lịch, trong đó có tính năng hỗ trợ du khách phản ánh về chất lượng dịch vụ - một nội dung trong chương trình hợp tác giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhằm đảm bảo quyền lợi của du khách. Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh là sản phẩm hợp tác giữa Tổng cục Du lịch với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), gồm có thẻ vật lý và thẻ số với công nghệ hiện đại, bảo mật, hỗ trợ du khách thực hiện các giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động du lịch - một xu hướng phổ biến và cũng là chủ trương chung của Chính phủ.

Đáng chú ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trao đổi, làm việc với Bộ Công an về kết nối dữ liệu trên cơ sở Đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách thăm quan điểm đến… làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo Thủ tướng giao hai Bộ phối hợp xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về du lịch

Tại hội nghị, trao đổi về lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã nêu rõ những định hướng, nhiệm vụ về chuyển đổi số du lịch. Đánh giá cao kết quả chuyển đổi số du lịch thời gian qua, Thứ trưởng cũng đề xuất Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tìm cách làm tốt hơn và đầu tư mạnh hơn vào việc thiết kế, xây dựng, tổ chức, vận hành một website quốc gia và một ứng dụng di động quốc gia về du lịch theo cách chuyên nghiệp, có nội dung phong phú, hấp dẫn, trong đó có cả bản đồ về du lịch, mang lại nhiều hữu ích cho khách du lịch.

Ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel của Tổng cục Du lịch

Thứ trưởng cũng cho rằng công nghệ chỉ là điều kiện cần, còn dữ liệu, nội dung và những thứ khác thuộc về nghiệp vụ du lịch mới tạo nên điều kiện đủ. Một trong những nội dung tạo nên điểm khác biệt của du lịch Việt Nam là tài nguyên văn hóa. Tài nguyên văn hóa có thể gồm di tích văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, là phong tục và nghề truyền thống.

Việt Nam cần có kế hoạch hành động số hóa các địa điểm du lịch và tài nguyên văn hoá. Lưu trữ tài nguyên dưới dạng kỹ thuật số, quản lý, phân tích và phổ biến rộng rãi. Những thông tin số hoá này được tích hợp lên website quốc gia và ứng dụng di động quốc gia về du lịch của Việt Nam.

Website vietnam.travel của Tổng cục Du lịch chuyên trách xúc tiến hình ảnh du lịch quốc gia ra nước ngoài

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh website quốc gia và ứng dụng di động quốc gia về du lịch này không thay thế website hay ứng dụng địa phương về du lịch, mà liên kết thông suốt với tất cả các website và ứng dụng du lịch khác. Cần huy động sự tham gia một cách rộng rãi của mọi tổ chức, cá nhân vào việc cung cấp thông tin, dữ liệu. Ông Dũng cũng khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai nhiệm vụ này.

Có thể thấy, việc hình thành các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia là một nhiệm vụ cấp thiết. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên liên quan: giúp đồng bộ về dữ liệu, liên thông về hệ thống, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách; hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương giảm bớt chi phí đầu tư trên cơ sở tận dụng hệ sinh thái chung; gia tăng cơ hội kết nối, hợp tác, tiếp cận thị trường, khách hàng cho các doanh nghiệp, điểm đến; nhất là hỗ trợ khách du lịch tiếp cận thông tin “một cửa”, tránh được tình trạng bối rối, loạn thông tin, loạn ứng dụng.

Triển khai theo hướng này cũng góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng xác định năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Chuyển đổi số cần có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", chồng chéo, lãng phí, và nhất là dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống". Chuyển đổi số cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu và yêu cầu cấp thiết

Chưa bao giờ chúng ta lại cảm nhận được những tác động to lớn, hiện hữu, rõ ràng của yếu tố công nghệ trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội như hiện nay. Đây đang là thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cuộc cách mạng đang lan tỏa mạnh mẽ đến mọi nơi, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Lĩnh vực du lịch càng không nằm ngoài xu hướng đó.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát mang lại những thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch, thúc đẩy những người làm du lịch phải tư duy lại về cách tiếp cận, trong đó áp dụng công nghệ, chuyển đổi số được xem là một lựa chọn sống còn, là cứu cánh để các doanh nghiệp có thể tồn tại.

Báo cáo Năng lực phát triển du lịch và lữ hành năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (phát hành vào tháng 5/2022) có chủ đề là “Tái thiết vì một tương lai bền vững và kiên cường”. Trong báo cáo nhấn mạnh đến vai trò xương sống của công nghệ số nhằm xây dựng lại ngành du lịch tốt đẹp hơn.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới chỉ rõ ngày càng nhiều dịch vụ du lịch và lữ hành được tiếp cận qua các nền tảng số như đại lý lữ hành trực tuyến, các nền tảng kinh tế chia sẻ, đặt phòng trực tuyến, hệ thống thanh toán trực tuyến, ứng dụng trên các thiết bị di động… qua đó tạo thuận lợi tối đa cho người tiêu dùng du lịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thúc đẩy du lịch liền mạch. Bên cạnh đó, công nghệ số còn giúp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý thu thập được thông tin, đặc điểm của người dùng, qua đó có thể tối ưu hóa hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, cắt giảm chi phí, tăng cường tự động hóa quy trình.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là “Ưu tiên phát triển du lịch số là lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao” theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nêu rõ “Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành và phát triển Hệ sinh thái du lịch thông minh”.
                                            Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục du lịch






TIN BÀI LIÊN QUAN