Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cục; các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; đại diện một số Bộ, ngành ở Trung ương; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững được tổ chức ngày 15/8 đúng thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với các chính sách thị thực mới. Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày.
Thời gian qua, ngành du lịch đã có sự tăng trưởng tích cực, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,6 triệu lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 76,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tính riêng tháng 7/2023, tháng đầu tiên trong năm 2023 ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng cao, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng tốt nhất thế giới.
Những con số nổi bật nêu trên là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển. Cùng với đó là sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và địa phương, sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp và công tác chỉ đạo định hướng kịp thời, hiệu quả về cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch, chính sách xuất nhập cảnh mới... từ đó đóng góp tích cực trong việc duy trì tốc độ phục hồi và bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh của ngành du lịch.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam điều hành Hội nghị. Ảnh: TITC
Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2023 về việc phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Hội nghị ngày hôm nay được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung về các văn bản mới của ngành du lịch hướng tới các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan; đồng thời nâng cao vai trò, đề cao trách nhiệm của toàn ngành trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị, Hội nghị cần tập trung phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản mới; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hành động cụ thể hóa các văn bản mới; tăng tốc, quyết liệt hành động nhằm tạo ra đột phá trong phát triển du lịch; phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu trình bày báo cáo Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2023. Ảnh: TITC
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã trình bày nội dung giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP. Theo đó, Nghị quyết số 82/NQ-CP đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: (1) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; (2) Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; (3) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; (4) Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; (5) Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; (6) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; (7) Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Các nhóm nhiệm vụ được triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Nghị quyết cũng đặt ra trách nhiệm cụ thể của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên.
Về Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu tổng quát hướng đến định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa. Năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch; nâng cao năng lực marketing du lịch.
Trưởng phòng Phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Quý Phương trình bày về nội dung một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Ảnh: TITC
Trình bày về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm theo Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL, ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, mục tiêu của Đề án là phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ hình thành tối thiểu 01 mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương gồm có: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ít nhất 01 đêm. Đến năm 2030 tiếp tục mở rộng tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn.
Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm bao gồm: mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TITC
Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến, đề xuất của lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững sau khi các chính sách mới được ban hành. Các đại biểu đều bày tỏ vui mừng và đánh giá cao vai trò của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL trong việc tham mưu, đề xuất các cấp ban hành các chính sách mới rất kịp thời, phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch. Tiêu biểu là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách thị thực và xuất nhập cảnh mới tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết số 127/NQ-CP về cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP về nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước được miễn thị thực. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, đều có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với xu hướng tất yếu về phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của các địa phương, doanh nghiệp.
Các đại biểu khẳng định, đây là những văn bản hết sức quan trọng, là định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai xây dựng kế hoạch hành động, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch trong thời kỳ mới.
Nhiều đại biểu cũng đã trao đổi những giải pháp để thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch đêm, nhất là tại các địa phương có nhiều tiềm năng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Đồng thời, đề xuất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tập hợp các địa phương, doanh nghiệp để triển khai các chiến dịch marketing lớn, trọng tâm, trọng điểm để quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia, các địa phương sẵn sàng đóng góp nguồn lực để triển khai các hoạt động này. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đề xuất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số du lịch và thống kê du lịch trên địa bàn.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tổng kết Hội nghị. Ảnh: TITC
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận tâm huyết và trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các sở quản lý du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, để tổ chức thực hiện tốt, có kết quả thiết thực các văn bản mới, toàn ngành cần tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, đảm bảo phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.
Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch.
Cục trưởng đề nghị các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 82/NQ-CP. Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; một số đề án như Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại một số thị trường du lịch trọng điểm...
Quét mã QR để tải tài liệu Hội nghị:
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam