Thăm ngôi cổ tự – Chùa Ông

Cách Hà Nội 17km tại thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có một ngôi chùa cổ, gọi là chùa Ông, nơi phụng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua Lý Thần Tông và thờ Phật.       Chùa có tên chữ Hán là Bản Tịch tự, do phụng thờ […]

        Cách Hà Nội 17km tại thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có một ngôi chùa cổ, gọi là chùa Ông, nơi phụng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua Lý Thần Tông và thờ Phật.

      Chùa có tên chữ Hán là Bản Tịch tự, do phụng thờ Đại thánh Từ Đạo Hạnh tôn giả. Phật nhật hào quang, pháp luân chuyển mãi, bản tính tịch nhiên không hề lay động nên thế nhân lấy đó đặt là Bản Tịch. Còn tên Nôm gọi là chùa Ông, do nhân dân ta vẫn tôn xưng Đức thánh Từ Đạo Hạnh là Ông Thánh Láng nên mới gọi tên chùa như vậy.
      Theo thần phả của chùa chép lại bằng chữ Hán cho biết: Từ Đạo Hạnh là Thiền sư Từ Đạo Hạnh người làng Láng, xã Hoàn Long. Từng làm thầy cúng ở chùa Thiên Phúc thuộc núi Phật Tích. Vốn có trí học từ nhỏ, ông thi đỗ khoa Bạch Liên dùng phép thuật đánh Diên Thành Hầu. Sau muốn tìm cách báo thù cho cha, ông đã tìm đường sang Ấn Độ học đạo phật. Nhưng sau đó, do đường đi hiểm trở nên ông đã trở lại núi Phật Tích kết thành hội Bạch Liên, học thần thông ngũ giáo, hàng ngày tụng Đại Bi và niệm câu thần chúa Đa Na ri, đêm nào cũng tụng mười tám vạn lần mới đi ngủ. Đến khi đạo phép đã thành công mới làm lễ phật xin trở về báo thù cho cha.
      Sau khi trả thù được cho cha, dứt luyến hồng trần. Đạo Hạnh liền bỏ đi vân du các nơi. Thấy phong cảnh chùa Phật Tích núi Sài Sơn thanh u tĩnh mịch liền đến dựng am để tu hành.
      Về sau Từ Đạo Hạnh suýt bị hại vì pháp sư Giác Nguyên, may ông được Sùng Hiền Hầu cứu thoát nạn. Ông cảm ơn ấy đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu.
      Thời đó, vua Lý Nhân Tông ở ngôi đã lâu mà không có con để kế ngôi, nhà vua nhiều lần lập đàn tràng cầu trời phật phù hộ nhưng chưa được, ý cũng muốn nhận con nuôi để có người nối dõi.
      Sau đó do thấy con trai của Sùng Hiền Hầu mới lên 2 đã thông minh lanh lợi nên đã lập làm Hoàng Thái Tử. Đến năm 12 tuổi truyền ngôi và có tên là vua Lý Thần Tông.


Phật tử vào lễ chùa

      Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ xưa của ngôi chùa mang kiến trúc nghệ thuật rất công phu và độc đáo. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2001. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, mặt tiền hướng chính Nam, trên một khu đất cao ráo, rộng rãi thoáng mát khoảng 14.000m2, trong đó phần nội tự chiếm khoảng hơn 900m2 .
      Chùa Ông dưới thời Lê là nằm trên địa phận hai thôn Bình Lương, Lương Xá, xã Đình Loan, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An thuộc xứ Kinh Bắc. Năm Minh Mạng thứ 13 (1834) đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Tới cuối đời Nguyễn mới gọi là huyện Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên.
      Chùa được bố trí hài hòa cân xứng theo kiểu chữ Tam bao gồm các hạng mục: Tiền đường, trung từ và hậu cung. Năm 1938, chùa được trùng tu, tôn tạo lại, kết cấu các vì theo kiểu chồng rường bào trơn có điểm hoa văn. Toàn bộ khung, cột của tòa nhà được làm bằng gỗ lim rắn chắc, kết hợp với kiến trúc cổ chạm khắc công phu tạo cho tòa tiền đường một thế vững chắc mang tính nghệ thuật cao.
      Giữa tòa tiền đường là bức đại tự ” Sài Vân uất thông” được làm thời nhà Nguyễn. Gian bên trái treo bức đại tự ” Ngũ hoàng cực” được làm năm 1919.
      Tòa trung từ thông với toà tiền đường có kiến trúc kiểu thượng rường hạ kẻ. Tòa hậu cung có cửa ngăn cách với tòa tiền đường và trung từ. Bên trong là 2 gian thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh ngồi trong khám sơn son thếp vàng. Tượng ngồi trong tư thế tọa thiền, mắt mở, mặc áo phật, chân trái để lộ, hai tay đặt hờ để trên đùi, đầu đội mũ Pháp sư trong tướng đạo mạo oai vệ.
      Bước vào chùa trước làn khói tỏa hương tựa sương mờ, du khách sẽ có cảm giác như đang ở chốn hư vô của cõi phật, thoát khỏi cõi trần tục để hướng tới cái thiện cái tâm, cầu cho cuộc sống an lành, may mắn.

TTTTXTDLHY

     
 






TIN BÀI LIÊN QUAN