Tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền

Ngày đăng: 04/06/2024
(TITC) - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Cánh đồng hoa tam giác mạch, Hà Giang

Theo đó, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Chính phủ định hướng phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TITC

Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng địa bàn, tuyến điểm du lịch trong kết nối đô thị với nông thôn, trung tâm du lịch với các điểm vệ tinh, qua đó góp phần da dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam. Hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ dịch vụ du lịch nông thôn vẫn còn hạn chế, nhiều địa phương mới dừng lại ở việc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm, tham quan trong ngày, dịch vụ đơn giản, chưa có nhiều sản phẩm có tính chất liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp du lịch có gia trị gia tăng cao, có tính điển hình để có thể xây dựng thương hiệu quảng bá cho du lịch nông nghiệp Việt Nam. Quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tổng thể cảnh quan các làng, bản, điểm du lịch nông thôn còn thiếu đồng bộ, khó hình thành các điểm du lịch nông nghiệp nông thôn mang đặc trưng bản sắc văn hóa vùng, miền.

Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cũng cho rằng, chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới lần đầu được triển khai đồng bộ, có những khó khăn về tiếp cận, thực hiện các giải pháp, đặc biệt là công tác đánh giá tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc...

Tại buổi Tọa đàm Phát huy giá trị tích hợp du lịch nông nghiệp diễn ra ngày 01/6 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh rằng cần tập trung nhận diện, đánh giá nét nổi trội của văn hóa bản địa từng vùng miền, thổi hồn văn hóa vào sản phẩm du lịch của từng địa phương, từ đó xây dựng một cách bài bản các sản phẩm đặc trưng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa. Bộ trưởng đơn cử, nhắc đến Bắc Ninh thì nhớ đến dân ca quan họ, nói đến Nghệ An, Hà Tĩnh thì nhớ đến dân ca ví dặm, muốn ngắm sen, thưởng thức các sản phẩm từ sen và nghe đờn ca tài tử thì về Đồng Tháp.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. Ảnh: TITC

Định hướng này cũng thể hiện qua Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa được ký kết ngày 01/6 vừa qua. Theo đó, hai Bộ sẽ phối hợp phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc gắn với từng vùng miền, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt dựa trên nền tảng tiềm năng về nông nghiệp, làng nghề, hệ sinh thái, giá trị văn hóa.

Thông qua chương trình này, hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền.

Kỳ vọng rằng, với sự tăng cường phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ mở ra hướng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của những đối tượng du khách khác nhau.

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

 






TIN BÀI LIÊN QUAN