Hệ thống báo cáo thống kê du lịch được quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng
Để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thống kê du lịch, triển khai điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia. Tiếp tục triển khai áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); tính toán đầy đủ, chính xác đóng góp của du lịch trong GDP.
Trong những năm qua, công tác thống kê du lịch luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ. Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nêu rõ nhiệm vụ “Bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch”.
Công tác thống kê du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng
Nhận thức rõ về vai trò quan trọng của thống kê du lịch trong công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển du lịch của một quốc gia, ngay từ năm 2009, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã chủ động nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án “Áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam” theo khung khuyến nghị của các cơ quan chuyên trách về thống kê và du lịch của Liên hợp quốc.
Với những kết quả khả quan từ đề án nền móng này, ngày 26/7/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2769/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thông báo số 252/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, giao Tổng cục Du lịch xây dựng Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê du lịch và Chương trình áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch.
Trải qua quá trình triển khai, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được, tạo cơ sở cho phát triển hệ thống thống kê du lịch Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là hình thành được khung phương pháp luận để triển khai công tác thống kê du lịch theo mô hình Tài khoản vệ tinh du lịch; Xây dựng được hệ thống chỉ tiêu thống kê du lịch và chế độ báo cáo thống kê du lịch, hệ thống dữ liệu thống kê ngành du lịch từ Trung ương đến cơ sở được hình thành, đã giúp các cấp lãnh đạo nắm bắt kết quả những chỉ tiêu du lịch quan trọng, tạo cơ sở hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành trong ngành.
Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã định kỳ tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát thông tin khách du lịch với sự phối hợp và thẩm định của Tổng cục Thống kê. Kết quả các cuộc điều tra, khảo sát là nguồn thông tin quan trọng cho biết đặc điểm, nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, cho phép cơ quan quản lý nắm bắt và xây dựng chính sách tiếp thị, xúc tiến thị trường, sản phẩm phù hợp. Đồng thời, đây cũng là những thông tin đầu vào rất quan trọng để góp phần xây dựng các bảng Tài khoản vệ tinh du lịch. Đến nay, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng thành công 7 trong tổng số 10 bảng Tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Liên hợp quốc.
Cán bộ Trung tâm Thông tin du lịch giới thiệu với các học viên tại Nghệ An về Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê cơ sở (Ảnh: TITC)
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai phần mềm báo cáo thống kê để chuyển đổi số công tác báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở. Trung tâm Thông tin du lịch cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Tổng cục Du lịch thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, hỗ trợ các địa phương nâng cao kiến thức về thống kê du lịch, cách thức triển khai hệ thống báo cáo thống kê theo quy định.
Những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh mới
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, kéo lùi sự phát triển của ngành và đặt ra những thách thức lớn cho quá trình phục hồi. Trong thời gian dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú đã buộc phải dừng hoạt động, người lao động bị mất việc làm hoặc phải chuyển sang ngành, lĩnh vực khác, gây ra sự thiếu hụt về nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Sau dịch bệnh, đã có những sự thay đổi lớn về nhu cầu, thị hiếu và hành vi của du khách, về cấu trúc thị trường, về phương thức hoạt động của doanh nghiệp… đòi hỏi ngành du lịch cần có tư duy và cách tiếp cận mới.
Đến nay, với sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của toàn ngành, ngành du lịch đang có những bước phục hồi tích cực, được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bối cảnh mới đặt ra những cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi ngành cần có sự ứng phó linh hoạt trên cơ sở tính toán, dự báo tình hình kịp thời.
Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát thông tin khách du lịch với sự phối hợp và thẩm định của Tổng cục Thống kê (Ảnh: TITC)
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới Chính phủ đã đặt ra cho ngành du lịch nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển, công tác thống kê du lịch cần phát huy hơn nữa vai trò của mình để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách phát triển du lịch của các cấp. Để làm được điều đó, quan trọng nhất là cần hình thành một Kế hoạch tổng thể định hướng hoạt động thống kê du lịch đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, hướng đến phản ánh ngày càng đầy đủ và chính xác vai trò, đóng góp của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP.
Theo đó, công tác thống kê du lịch cần tiếp tục được tăng cường trên cơ sở kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được, tập trung vào các hoạt động nền tảng: Triển khai điều tra thống kê và đa dạng hóa hình thức thu thập dữ liệu đầu vào; phổ biến triển khai hệ thống phần mềm báo cáo thống kê du lịch; biên soạn, tính toán các chỉ tiêu thống kê du lịch; cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê trong toàn ngành du lịch và hệ thống bảng Tài khoản vệ tinh du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, cần tập trung xây dựng và triển khai phương án điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/2/2023. Cuộc điều tra do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì nhằm thu thập thông tin phục vụ biên soạn chỉ tiêu thống kê quốc gia về lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý, chính sách phát triển du lịch. Đồng thời, thu thập dữ liệu tin cậy phục vụ tính toán đóng góp của du lịch vào nền kinh tế.
Khách du lịch (Ảnh minh họa. Nguồn: Vinpearl)
Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kinh nghiệm triển khai thống kê du lịch trên thế giới, nghiên cứu ứng dụng các phương thức kết nối thu thập thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm hoàn thiện hệ thống các bảng Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.
Đồng thời, cần tiếp tục triển khai xây dựng các Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam, Báo cáo Tài khoản vệ tinh du lịch Việt Nam giai đoạn mới. Tiếp tục nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thống kê du lịch.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê du lịch, triển khai nền tảng số quốc gia “Quản trị và kinh doanh du lịch” nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện báo cáo thống kê du lịch theo quy định một cách thuận tiện, giúp kết nối và cập nhật hệ thống dữ liệu thống kê ngành du lịch từ các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch đến các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam