Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam về xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt. Ảnh: TITC
Dự buổi làm việc có Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh, cùng lãnh đạo các đơn vị hai bên.
Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, đang phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự đổi mới, sáng tạo của ngành đường sắt trong thời gian vừa qua. Hiện nay, ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gần đây, chỉ trong thời gian hơn một năm, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo 3 hội nghị toàn quốc về du lịch.Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã thông qua các chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh theo hướng thông thoáng, thuận tiện để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC
Với sự quan tâm đó, cùng với nỗ lực của toàn ngành, năm 2019 du lịch Việt Nam đã đón được 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp của du lịch chiếm 9,2% GDP cả nước, tiệm cận là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc, du lịch Việt Nam là 6/10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn 2020-2022 ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng đã từng bước vượt khó qua các đợt dịch để trở thành một trong những ngành có tốc độ phục hồi nhanh nhất cả nước.
Năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, phục hồi 70% so với năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).Trong 5 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đã cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch; khách nội địa đạt 12 triệu lượt; tổng thu về khách du lịch đạt 352,2 nghìn tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC
Để có kết quả đó, trong thời gian qua Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số của Cục như trang web quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài https://vietnam.travel và các mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, Zalo... Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng tăng cường hoạt động quản lý nâng cao chất lượng điểm đến, sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) quảng bá du lịch Việt Nam trên trang web quốc gia https://www.vietnam.vn. Theo bảng xếp hạng tháng 3/2024 của chuyên trang đánh giá, xếp hạng website toàn cầu similarweb.com, website https://vietnam.travel của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nằm trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á, vượt qua website du lịch của Thái Lan.
Với các kết quả đã đạt được, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam 4 lần được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Tourist Board) vào các năm 2017, 2021, 2022, 2023. Ngành Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á; Điểm đến Golf tốt nhất châu Á...
Ông Hoàng Quốc Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC
Để tăng cường liên kết chặt chẽ giữa hai ngành, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; Đầu tư thêm các toa tàu dành riêng cho khách du lịch; Phát triển các tuyến du lịch chuyên đề; Phối hợp truyền thông, quảng bá thông qua các hoạt động chuyển đổi số; Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến kết nối hợp tác với ngành đường sắt. Cục trưởng cũng đề nghị sẽ tổ chức Hội nghị phát triển du lịch đường sắt do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đồng chủ trì để kết nối, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sắt.
Ngành đường sắt đang nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút khách du lịch
Thông tin về tình hình tổ chức vận tải hành khách của ngành đường sắt, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: Mạng lưới đường sắt quốc gia hiện nay có tổng chiều dài 3.158 km, đang được khai thác tại 303 ga, trạm, trong đó có 2.644 km đường chính tuyến và 514 km đường ga, đường nhánh. Mạng lưới đường sắt được kết nối với nhau tại đầu mối Hà Nội, đi qua 34 tỉnh, thành phố, với 4/6 vùng kinh tế của cả nước. Mỗi ki-lô-mét đường tàu và mỗi sân ga đều mang trong mình rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa có thể khai thác phục vụ khách du lịch.
Năng lực khai thác trên các tuyến đường sắt chính đạt khoảng 17-25 đôi tàu/ngày đêm. Tốc độ khai thác trung bình từ 50-70 km/h (lớn nhất 95 km/h đối với tàu khách; 80 km/h đối với tàu hàng).
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC
Về vận tải hành khách, năng lực chuyên chở trên các tuyến được tổ chức chạy thường xuyên với hệ thống tàu khách Thống nhất Bắc - Nam tuyến Hà Nội - Sài Gòn và các tàu khách khu đoạn Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng…phục vụ nhu cầu du lịch và đi lại của người dân.
Về công tác phục vụ trên tàu, trong thời gian vừa qua Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, vệ sinh trên tàu; thay thế các toa xe cũ bằng các toa xe có chất lượng tốt hơn để phục vụ du khách. Đồng thời tổ chức các đoàn tàu chất lượng cao như SE19/20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng (tháng 10/2023) và tàu SE21/22 tuyến TP.Hồ Chí Minh - Đà Nẵng (tháng 4/2024) với các toa xe được thiết kế hiện đại, đội ngũ vệ sinh chuyên nghiệp, được hành khách ghi nhận đánh giá cao. Trên đoàn tàu SE21/22 Đường sắt Việt Nam đang thử nghiệm lắp đặt hệ thống wifi trên đoàn tàu, xây dựng kho phim, game phục vụ nhu cầu giải trí của hành khách.
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã tổ chức chạy đoàn tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát từ ngày 14/4/2024, tạo sản phẩm du lịch mới gắn với đường sắt. Tổ chức chạy tàu kết nối liên vùng Hà Nội - Hải Phòng gắn với sản phẩm Foodtour; phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chạy tàu Huế - Đà Nẵng gắn với sản phẩm “Kết nối di sản miền Trung”; ký Biên bản ghi nhớ hợp tác quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và đang làm việc với Sở Du lịch các tỉnh Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Bình để phát triển du lịch.
Hợp tác với Công ty Cổ phần Vinpearl về truyền thông quảng bá du lịch gắn với đường sắt, trong việc hợp tác bán vé combo, bán vé chéo giữa hai đơn vị trên các nền tảng số của hai bên.
Phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành xây dựng các sản phẩm chuyên biệt nguyên toa trên tuyến Hà Nội - Lào Cai, nguyên đoàn theo yêu cầu của khách du lịch như: sản phẩm kết nối biển và núi bằng phương tiện đường sắt, trong tháng 10/2023 tổ chức chạy tàu từ ga Hải Phòng đến Ga Lào Cai và ngược lại; từ ngày 07/4/2024 đến 14/4/2024, đã tổ chức đoàn tàu Charter, xuất phát từ ga Hà Nội, Gia Lâm đi các ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, Hải Phòng, Giáp Bát, Quán Triều, Tiên Kiên, Lào Cai, Phủ Lý và ngược lại, hành trình chạy theo yêu cầu của khách hàng.
Công tác phục vụ dưới ga, cải tạo phòng chờ, mở phòng chờ VIP (Lounge) tại một số ga chính như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Sài Gòn, Lào Cai... để phục vụ khách cao cấp và các đoàn khách du lịch. Xây dựng chỉnh trang, nâng cấp, cải tạo nội thất, bổ sung trang thiết bị phục vụ hành khách tại các ga tàu dừng đỗ đón trả khách. Xây dựng mô hình cafe Hỏa xa tại các ga Long Biên, Hải Dương tạo điểm đến, điểm chek in cho người dân và hành khách đi tàu. Xây dựng phòng chiếu phim tư liệu tại ga Đà Lạt phục vụ hành khách thăm quan, tìm hiểu về lịch sử phát triển và hình thành nhà ga cổ Đà Lạt và tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Từ ngày 17-28/11/2023, Tổng Công ty phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức chuyến tàu đặc biệt mang tên Hành trình di sản, qua các ga Hà Nội - Long Biên - Gia Lâm và nhiều hoạt động trải nghiệm trên tàu, trong 10 ngày diễn ra sự kiện đã có hơn 200 nghìn lượt du khách đến tham quan lễ hội thiết kế sáng tạo tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Từ tháng 3/2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát động phong trào “đường tàu, đường hoa” trên khắp 34 tỉnh, thành phố với phương châm ‘Mỗi cung đường, một loài hoa - Mỗi khu ga một điểm đến”.
Đặc biệt tháng 5/2023, tuyến đường sắt Thống nhất Bắc Nam đã được tạp chí Lonely Planet bình chọn dẫn đầu trong 8 hành trình đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Đây là cơ hội để Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đẩy mạnh hoạt động vận tải đường sắt kết hợp với du lịch trong thời gian tới.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tham quan Nhà truyền thống Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: TITC
Sản lượng hành khách đi tàu từ ngày 01/01/2024 đến ngày 26/5/2024 là trên 2,7 triệu lượt hành khách, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023. Kế hoạch vận tải năm 2024 sẽ vận chuyển khoảng 6,1 triệu lượt hành khách.
Với mục tiêu đổi mới, nâng cao năng lực phục vụ khách du lịch, Ngành đường sắt đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ủng hộ đưa hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt vào các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài như: Hội chợ du lịch, Hội thảo thương mại - du lịch, Famtrip, Presstrip, các sự kiện đón khách du lịch đầu năm, Festival văn hóa, du lịch, ẩm thực tại địa phương…
Hỗ trợ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quảng bá và truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên hệ thống các website du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam…; Hỗ trợ kết nối các phương tiện giao thông như Hàng không - Đường sắt - Đường bộ, tạo thành một chuỗi cung ứng vận tải khép kín phục vụ khách du lịch (One ticket - all trips).
Ông Nguyễn Sỹ Mạnh mong muốn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm ký kết biên bản hợp tác với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam tại các hội chợ trong nước, quốc tế và trên các nền tảng số, mạng xã hội; tham gia các hội nghị, hội thảo du lịch và tổ chức các sự kiện Famtrip, Festival văn hóa, du lịch, ẩm thực tại các địa phương; Đào tạo nâng cao chất lượng phục vụ du lịch của ngành đường sắt...
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao tiềm năng hợp tác phát triển giữa hai ngành du lịch và đường sắt, vừa qua ngành đường sắt có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động liên kết giữa du lịch và đường sắt ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam