“Chương trình giới thiệu, trưng bày Di sản Văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức, diễn ra từ ngày 27 - 29/12/2024 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Đây là dịp để quảng bá các di sản văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngay giữa lòng Thủ đô, đưa di sản đến gần hơn với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình trưng bày năm 2024, nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra như: Lễ Khai mạc chương trình; không gian trưng bày, giới thiệu các giá trị tiêu biểu của Di sản Văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được UNESCO công nhận; giao lưu, trình diễn về 02 di sản văn hóa phi vật thể trên; giao lưu trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương; tọa đàm giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng sở hữu di sản và du khách gắn với mục tiêu quảng bá, phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Nhân dịp này, ngày 26/12/2024, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) ra mắt video clip quảng bá cho “Chương trình giới thiệu, trưng bày Di sản Văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Với độ dài hơn 30 giây, xuyên suốt video clip là thước phim đầy sống động về những mảnh đất hội tụ đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người, nổi bật trong đó là tinh hoa văn hóa Việt “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới.
Hát Then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát… được dân gian gọi là “điệu hát thần tiên”
Ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ, non nước thơ mộng, Lạng Sơn là nơi giao thoa giữa nhiều cộng đồng dân tộc, chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng, đa dạng. Và không biết từ khi nào, những điệu hát Then, đàn Tính đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Hát Then thường được biểu diễn trong những sự kiện trọng đại, trong những dịp lễ, ngày cưới hỏi, hay trong những ngày sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt trong cộng đồng. Những “điệu hát thần tiên” mang theo âm hưởng của đất trời, giai điệu lúc trầm lúc bổng, khi rộn ràng, khi trang nghiêm, khi ngọt ngào, khi da diết…
Ngày 12/12/2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vận thể đại diện của nhân loại, thể hiện sự ghi nhận đối với cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại.
Đến nay, những người phụ nữ Chăm vẫn duy trì kỹ thuật làm gốm truyền thống từ hàng trăm năm trước
Đặt chân đến mảnh đất Ninh Thuận đầy nắng và gió, nơi du khách sẽ được chiêm ngưỡng và khám phá một nền văn hóa cổ xưa với những di sản mang đậm dấu ấn Chăm. Tiêu biểu trong đó là nghệ thuật làm gốm của người Chăm, là biểu hiện của sự sáng tạo, khéo léo, cần cù của người phụ nữ. Gốm của người Chăm cho đến nay vẫn giữ được sự tinh túy từ vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ thông qua kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được truyền qua bao thế hệ từ cách đây hàng trăm năm.
Ngày 29/11/2022, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” cũng đã được UNESCO tôn vinh trong Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, trở thành niềm tự hào, khẳng định giá trị độc đáo, bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc và là cơ hội để quảng bá tiềm năng du lịch đến với cộng đồng quốc tế.
Thông qua những hình ảnh ấn tượng trong video clip, hãy đến với “Chương trình giới thiệu, trưng bày Di sản Văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” để có cơ hội chiêm ngưỡng, thưởng thức, giao lưu, tìm hiểu về giá trị đặc sắc của những di sản quý giá này của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam!
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam