Tháng 3/2024 chứng kiến sự tăng trưởng rất tốt của nhiều thị trường so với tháng 02/2024, trong đó có: Nhật Bản (+53%), Bỉ (+41%), Pháp (+29%), Italy (+27%), Tây Ban Nha (+26%), Indonesia (+24%), Singapore (+23%), Thái Lan (+23%), Malaysia (+21%), Ấn Độ (+12%). Đáng chú ý, thị trường lớn Trung Quốc tiếp tục phục hồi tích cực, đạt 352 nghìn lượt, tăng 19% so với tháng trước.
Biểu đồ 1. Khách quốc tế theo tháng, năm 2023-2024 (nghìn lượt)
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê
Về quy mô thị trường trong Quý I/2024, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 1,2 triệu lượt (chiếm 26,6%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 890 nghìn lượt (chiếm 19%), tiếp theo là Đài Loan ở vị trí thứ 3 (300 nghìn lượt) và Mỹ (232 nghìn lượt).
Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Nhật Bản (179 nghìn lượt), Malaysia (144 nghìn lượt), Úc (133 nghìn lượt), Thái Lan (119 nghìn lượt), Ấn Độ (116 nghìn lượt), Campuchia (114 nghìn lượt).
Biểu đồ 2. 10 thị trường gửi khách hàng đầu Quý I/2024 (nghìn lượt)
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê
Về động lực tăng trưởng trong Quý I/2024, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng mạnh, là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 534,5% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (+52,0%), Nhật Bản (+52,7%), Đài Loan (+127,3%).
Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Malaysia (+24,6%), Singapore (+8,6%), Campuchia (+19,1%), Philippines (+52,6%), Indonesia (+118,5%). Riêng thị trường Thái Lan giảm 18,3%.
Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, trong đó có các thị trường chính như Anh (+15,0%), Pháp (+29,3%), Đức (+15,8%). Bên cạnh đó là Italy (+27,1%), Tây Ban Nha (+26,1%), Nga (+7,9%). Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.
Tình hình phục hồi so với năm 2019
Xét theo thị trường từ các châu lục, nhìn chung Quý I/2024, lượng khách quốc tế đã gần như phục hồi hoàn toàn và thậm chí tăng so với Quý I/2019, trong đó lượng khách từ châu Úc đạt mức 120% so với cùng kỳ năm 2019; châu Á đạt mức 104%, châu Mỹ đạt mức 103% và châu Âu gần như phục hồi hoàn toàn, đạt mức 97%.
Biểu đồ 3. Mức phục hồi một số thị trường khách quốc tế Quý I/2024 so với Quý I/2019
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê
Ở châu Á, thị trường tiềm năng Ấn Độ đạt mức 304% so với trước dịch, Campuchia đạt mức 335%, Indonesia đạt mức 188%, Singapore đạt mức 122%. Ở Châu Âu, Tây Ban Nha đạt mức 123%, Đức đạt mức 108%, Anh đạt mức 102%. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đã vượt mức năm 2019 (106%), Úc (122%).
Thị trường Trung Quốc năm 2023 phục hồi ở mức 30% so với năm 2019. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2024, mức độ phục hồi đã đạt 69%, cho thấy những tín hiệu khả quan.
Nhìn chung, tiếp nối đà phục hồi của những tháng cuối năm 2023, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực. Đáng mừng, lượng khách 3 tháng qua đều đạt trên 1,5 triệu lượt và có xu hướng tăng. Các thị trường phần lớn đã phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường đã cao hơn mức năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh. Các thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương tăng trưởng mạnh.
Bước qua Quý I/2024, đây là những tín hiệu lạc quan đối với ngành du lịch Việt Nam. Kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam