Quảng Tây (Trung Quốc) quảng bá du lịch tại Hà Nội

Ngày đăng: 28/11/2024
(TITC) - Sáng ngày 27/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hồ An Phong đã dự chương trình giao lưu văn hóa giới thiệu du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) với chủ đề “Quảng Tây tráng lệ”.

Chương trình được đồng chủ trì tổ chức bởi Ban Tuyên truyền Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Sở Văn hóa, Du lịch Quảng Tây, Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội và Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Trung.

Các lãnh đạo và đại biểu dự chương trình (Ảnh: TITC)

Dự chương trình về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phan Linh Chi; Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Nhất Hoàng; lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp du lịch cùng các phóng viên báo chí truyền thông.

Về phía Trung Quốc có bà Trần Dịch Quân - Trưởng Ban Tuyên truyền Khu ủy Khu Tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây; ông Vương Quần - Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; ông Dương Đức Sơn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội.

Bà Trần Dịch Quân - Trưởng Ban Tuyên truyền Khu ủy Khu Tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây phát biểu khai mạc chương trình (Ảnh: TITC)

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Dịch Quân - Trưởng Ban Tuyên truyền Khu ủy Khu Tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây cho biết, chuyến công tác của đoàn Khu Tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây đến Việt Nam nhằm thực hiện nhận thức chung của hai Đảng, là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, có nhiều nét tương đồng về văn hóa.

Quảng Tây là địa phương sở hữu phong cảnh hữu tình, văn hóa đa dạng, là cửa ngõ của Trung Quốc với ASEAN. Hiện nay, Quảng Tây đang xây dựng điểm du lịch mang đẳng cấp quốc tế tại Quế Lâm.

Theo bà Trần Dịch Quân, tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai nước vô cùng rộng mở sâu sắc, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) - khu hợp tác xuyên biên giới hai nước trên cơ sở Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên đã chính thức đi vào vận hành. Tuyến du lịch đường biển Bắc Hải (Quảng Tây, Trung Quốc) - Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam) cũng đã được khai thông. Tất cả đã tạo nên những sản phẩm du lịch biên giới đất liền và trên biển độc đáo phục vụ du khách.

Toàn cảnh chương trình (Ảnh: TITC)

Năm 2025 kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và giao lưu nhân văn hai nước Trung - Việt. Đây là cơ hội rất tốt để đẩy mạnh hợp tác du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch biên giới, văn hóa, nghỉ dưỡng sinh thái, xe tự lái… Đặc biệt, bà Trần Dịch Quân rất mong việc thúc đẩy hợp tác du lịch sẽ góp phần gìn giữ và phát huy những di sản liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, phát triển sản phẩm “du lịch đỏ” theo dấu chân Bác Hồ, giúp thể hệ trẻ hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắt chặt thêm tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Bà Trần Dịch Quân cũng mong muốn các địa phương vùng biên giới hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tăng cường tình cảm nhân dân hai nước.

Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Vương Quần phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)

Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Vương Quần cho biết, Việt Nam và Trung Quốc luôn là hai nước láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Trong thời gian qua, hai bên thường xuyên duy trì các cuộc họp cấp cao, khắc ghi sứ mệnh chung, tăng cường hợp tác chính trị, kinh tế - xã hội, thương mại và giao lưu nhân dân.

Hợp tác hai bên có dư địa rất lớn, giao lưu nhân văn đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là du lịch biên giới. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của nhau.

Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)

Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, hai nước Việt - Trung đều có cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, có nhiều nét văn hóa tương đồng, hấp dẫn. Mối quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ đi vào chiều sâu và tốt đẹp như hiện nay.

Xúc động với những di tích lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được nước bạn gìn giữ và phát huy, Thứ trưởng mong rằng trong thời gian tới, sản phẩm du lịch “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh” sẽ được xây dựng, cho thấy tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Biểu diễn nghệ thuật tại chương trình (Ảnh: TITC)

Thời gian qua, nhiều cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã diễn ra, hai bên đã cùng trao đổi, ký kết hợp tác với tầm nhìn chiến lược, nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự 2 chương trình xúc tiến văn hoá, du lịch Việt Nam tại TP. Côn Minh và TP. Trùng Khánh (Trung Quốc). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ký kết Kế hoạch Hợp tác Văn hóa và Du lịch giai đoạn 2023-2027. Tất cả những điều này đã tạo thuận lợi để giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng được đẩy mạnh, phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu.

Thứ trưởng Hồ An Phong mong muốn trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, học tập, giao lưu, tạo điều kiện tốt nhất cho công dân hai nước đi lại, đồng thời khai thác có hiệu quả Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Biểu diễn nghệ thuật tại chương trình (Ảnh: TITC)

“Tiềm năng hợp tác phát triển du lịch của hai bên còn rất nhiều dư địa, vì vậy tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, thể thao và du lịch để cùng thúc đẩy du lịch hai bên cùng phát triển và vươn lên tầm cao mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa doanh nghiệp hai bên (Ảnh: TITC)

Tại chương trình, các đại biểu đã nghe giới thiệu về các tour tuyến hấp dẫn đến Quảng Tây như: Chuyến du lịch văn hóa non nước kinh điển, Chuyến khám phá vùng đất lành trường thọ với những điểm đến ở Sùng Tả, Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm…

Trước đó, vào chiều ngày 26/11, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hồ An Phong đã có buổi tiếp bà Trần Dịch Quân - Trưởng Ban Tuyên truyền Khu ủy Khu Tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc bàn về hợp tác du lịch, văn hóa hướng tới Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025.

Các lãnh đạo và đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình (Ảnh: TITC)

Năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt trên 5,8 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, xếp vị trí số 1; Trung Quốc đón gần 8 triệu lượt khách Việt Nam (bao gồm cả khách du lịch trong ngày xuất biên nhập biên). Việt Nam là 1 trong 5 thị trường nước ngoài gửi nhiều khách nhất tới Trung Quốc.

Mười tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 3.010.866 lượt khách Trung Quốc, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.

Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam






TIN BÀI LIÊN QUAN