Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhấn mạnh du lịch đã trở thành một nguồn thu hút lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển các ngành khác. Giai đoạn vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khá nhanh tạo điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch. Có thể thấy, hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, sự phát triển du lịch tại các đô thị vừa qua đã bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Do vậy hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những hướng đi và đề xuất được các giải pháp giải quyết vấn đề cấp thiết này.
Phó Cục trưởng bày tỏ hy vọng qua buổi hội thảo này sẽ xác định được những vấn đề nổi cộm và có được những đề xuất đột phá về định hướng chiến lược để phát triển du lịch bền vững tại các đô thị của Việt Nam.
PGS.TS Phạm Trung Lương chia sẻ một số vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị. Ảnh: TITC
Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam đã chia sẻ một số vấn đề về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị. Khái niệm phát triển du lịch bền vững đã được luật hóa trong Luật Du lịch 2017 “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương “Du lịch đô thị là hình thái du lịch được tổ chức phát triển trên địa bàn đô thị, nơi tập trung các giá trị tài nguyên du lịch mang tính đặc trưng của đô thị về văn hóa - lịch sử, kiến trúc, lối sống truyền thống cư dân bản địa nhằm thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch về những giá trị cốt lõi của đô thị”. Khái niệm du lịch tại đô thị theo nghĩa hẹp chỉ đề cập đến các hoạt động phát triển du lịch diễn ra trong giới hạn không gian “lõi” của đô thị là khu vực nội thành, nơi chứa đựng những giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, nếp sống cư dân thị thành của một đô thị. Khái niệm du lịch tại đô thị theo nghĩa rộng sẽ bao gồm toàn bộ hoạt động du lịch được tổ chức ở cả khu vực nội thành và khu vực ngoại thành, nơi tiếp nối với không gian vùng nông thôn.
PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng để đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại các đô thị cần quan tâm đến chính sách đối với phát triển đô thị mang tính đặc thù cho du lịch; phát triển năng lực quản lý của chính quyền đô thị theo hướng xanh và thông minh, có hiểu biết về du lịch; khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị.
Đại diện Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc giới thiệu về dự án Thành phố trung tâm du lịch. Ảnh: TITC
Đại diện Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, TS. Ju Young Park đã giới thiệu về dự án thành phố trung tâm du lịch Hàn Quốc đang được triển khai. Đây là dự án nhằm giải tỏa sự tập trung khách du lịch quá lớn vào thành phố Seoul, phân bổ khách du lịch đến thông qua thúc đẩy thành phố trung tâm du lịch (là điểm du lịch đẳng cấp thế giới và là điểm đến của khách du lịch nước ngoài đồng thời là trung tâm du lịch).
Hàn Quốc đã lựa chọn 5 địa điểm để phát triển thành phố trung tâm du lịch trong đó có 1 thành phố du lịch quốc tế Busan đóng vai trò đô thị có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh du lịch đẳng cấp toàn cầu; 4 thành phố trung tâm du lịch vùng có thương hiệu khu vực riêng, có quy mô chính quyền địa phương cơ bản với tài nguyên du lịch đẳng cấp thế giới và năng lực sẵn sàng tiếp nhận khách du lịch. Dự án đã xác định định hướng, chiến lược cho từng thành phố. Hiện nay thành phố du lịch quốc tế Busan đã có những thành công nhất định. Hàn Quốc tiếp tục duy trì và mở rộng các thành phố trung tâm du lịch để hiện thực hóa vòng tròn “Tăng cường khả năng cạnh tranh của tài nguyên du lịch - Tối đa hóa sự hài lòng của khách du lịch - Phục hồi ngành du lịch - Phát triển khu vực (quốc gia)”.
TS. Đỗ Cẩm Thơ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ Quy hoạch hệ thống du lịch, Mạng lưới Thành phố sáng tạo, định vị sản phẩm du lịch đô thị. Ảnh: TITC
Bên cạnh các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp bằng văn bản. Các ý kiến cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay, từ các vấn đề về lý luận đến thực tiễn về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị; về các yếu tố tác động đến sự bền vững của hoạt động du lịch tại các đô thị như công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý lưu lượng khách du lịch, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ các di sản văn hoá trong phát triển du lịch; về các giải pháp sử dụng công nghệ số để kiểm soát dòng khách du lịch, thực hiện chính sách “khuếch tán” để giảm áp lực tại đô thị, mở rộng các vùng du lịch vệ tinh cho đô thị…. Hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh đến phát triển du lịch bền vững tại các đô thị đòi hỏi sự quan tâm đến môi trường, văn hóa, xã hội, cùng với quản lý và quy hoạch hợp lý để đảm bảo rằng du lịch mang lại lợi ích bền vững cho cả đô thị và cộng đồng địa phương.
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam