Nhà lưu niệm liệt sỹ Tô Hiệu

Làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang là mảnh đất liệt sỹ Tô Hiệu sinh ra và lớn lên. Năm 2000, tại khu đất cũ của gia đình đồng chí, nhà lưu niệm được xây dựng và trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. […]

          Làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang là mảnh đất liệt sỹ Tô Hiệu sinh ra và lớn lên. Năm 2000, tại khu đất cũ của gia đình đồng chí, nhà lưu niệm được xây dựng và trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.


Đoàn cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) viếng mộ liệt sỹ Tô Hiệu ( ảnh Báo HY)

            Ðồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, là chiến sĩ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, hy sinh ngày 7/3/1944 tại nhà tù Sơn La. Ðồng chí sớm giác ngộ, đi theo cách mạng, tham gia vào các phong trào yêu nước khi còn rất trẻ. Đồng chí từng hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức nhiều cuộc đình công, biểu tình và trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2/1939, đồng chí Tô Hiệu được phân công về phụ trách Liên khu B (gồm các tỉnh miền Duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Bị địch bắt lần thứ 2 khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào đấu tranh mới (1/12/1939), tại xóm thợ Thượng Lý (quận Hồng Bàng), cuối tháng 12/1939, thực dân Pháp kết án 5 năm tù và đày đồng chí đi nhà tù Sơn La. Dù hai lần bị địch bắt, giam cầm nhưng đồng chí vẫn luôn lạc quan, kiên trung với con đường cách mạng. Đặc biệt tại nhà ngục hà khắc của thực dân Pháp, mặc dù bị lao phổi nặng do di chứng trong những ngày lao tù tại Côn Đảo, với cương vị là Bí thư chi bộ nhà tù, đồng chí đã hăng hái tham gia lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng, đồng thời biến nhà tù thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng. Đồng chí được anh em tuyệt đối tín nhiệm, tin tưởng, được coi như linh hồn của phong trào đấu tranh cách mạng trong nhà tù Sơn La. Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại bài học to lớn về tinh thần đấu tranh cách mạng, về công tác xây dựng Ðảng. Bản lĩnh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan cách mạng cũng như tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Tô Hiệu đã trở thành di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng và lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La – “Địa ngục trần gian”, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cảm tình với cách mạng, sau đó tham gia cách mạng. Ngày 7/3/1944, Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La lúc 33 tuổi.
            Được sự quan tâm của Đảng, nhà lưu niệm liệt sỹ Tô Hiệu được khánh thành năm 2000, nằm bên cạnh nhà thờ Tổ, trong khuôn viên rộng hơn 700 m2 . Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh, gia đình đồng chí đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục nhà lưu niệm, năm 2014 xây thêm khu nhà đón tiếp khách đến tham quan, thăm viếng.
          Tổng thể kiến trúc của công trình mang đậm nét truyền thống với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 2 tòa: Tòa ngoài 3 gian, tòa trong là 1 gian làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch Bát Tràng. Phần trang trí tập trung của nhà lưu niệm ở tòa trong và gian trung tâm tòa ngoài với việc bài trí nhiều đồ thờ tự. Đây là nơi đặt ban thờ đồng chí Tô Hiệu với di ảnh và tượng bán thân đồng chí được đúc bằng đồng. Phía trên ban thờ treo bức hoành phi “Đại nghĩa lưu phương” ( Đại nghĩa – sự nghiệp của Đảng để lại tiếng thơm mãi mãi về sau). Hai bên ban thờ treo đôi câu đối chữ Hán:

Vạn lý đào hoa nghinh quốc vận;
Thiên thu hồng nhật chiếu gia thanh”
Dịch nghĩa: “Muôn dặm hoa đào mừng vận mới của Tổ quốc;
Ngàn thu mặt trời rọi sáng trên thanh danh của gia đình họ Tô”

          Các bức hoành phi, câu đối trên đây đều do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu đề tặng nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm với nội dung ca ngợi công đức của đồng chí Tô Hiệu.
          Hai bên tòa nhà là nơi trưng bày hơn 100 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu nhằm tái hiện lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với quê hương, đất nước thể hiện rõ nét qua 3 chủ đề chính:
1: Quê hương Xuân Cầu và dòng họ Tô ở Xuân Cầu;
2: Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu;
3: Tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đồng chí Tô Hiệu.
            Cây đào ở nhà tù Sơn La được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sỹ kiên cường. Sau này một cành của cây đào này đã được triết và đưa về trồng bên Lăng Bác. Nghĩa trang Gốc Ổi ở thành phố Sơn La cũng trồng đào sau khi lấy giống từ cây đào này. Ngày nay cây đào Tô Hiệu ở Nhà tù Sơn La luôn xanh tươi chào đón du khách mọi miền có dịp đến thăm. Trong sân của nhà lưu niệm liệt sỹ hiện có cây đào được nhân giống từ cây đào Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La để tưởng nhớ tới người anh hùng đã khuất.
          Hàng năm, vào ngày mất của liệt sỹ, con cháu trong dòng họ dù xa hay gần đều tề tựu đông đủ về nhà thờ Tổ, nhà lưu niệm để thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính tới người con ưu tú của dòng họ Tô. Nhà lưu niệm liệt sỹ Tô Hiệu sẽ là nơi chào đón nhân dân và du khách thập phương khi về thăm mảnh đất Hưng Yên địa linh, nhân kiệt.

TTTTXTDL

 






TIN BÀI LIÊN QUAN