Nhà bia tưởng niệm tướng quân Nguyễn Thiện Thuật

Về với Hưng Yên, du khách từng biết nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà thờ bà Hoàng Thị Loan nhưng có lẽ ít ai biết đến nhà bia tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật – vị lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật sinh ra trong […]

      Về với Hưng Yên, du khách từng biết nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà thờ bà Hoàng Thị Loan nhưng có lẽ ít ai biết đến nhà bia tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật – vị lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
Nguyễn Thiện Thuật sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, có tài văn võ nổi tiếng khắp vùng. Theo gia phả họ Nguyễn thì Nguyễn Thiện Thuật thuộc dòng họ hậu duệ đời thứ 30 của Nguyễn Trãi. Nguyễn Thiện Thuật tên thật là Nguyễn Thuật, tên tự là Mạnh Hiếu (1844-1926), người làng Xuân Dục tổng Bạch Sam, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương xưa, nay là thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Năm 26 tuổi, ông đi thi Hương và đậu Tú tài, sau đó ông được quan tỉnh Hải Dương đưa về giúp việc quân. Ông được giữ các chức vụ như: Bang biện phủ Kinh Môn, Tri phủ Từ Sơn, Tán tương quân vụ, Hưng Hóa Sơn, Tổng đốc Hải – Yên, Phó nguyên  súy Đạo binh đông bắc,…Ông là vị quan thanh liêm, công minh, có tài cai trị.
Năm 1883,  Nguyễn Thiệt Thuật kháng chỉ bỏ chức Tổng đốc Hải – Yên về Đông Triều mộ quân đánh Pháp. Ông thành lập đội quân lấy Đông Triều làm căn cứ. Hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật đã làm cho quân Pháp chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Đến 1885, ông từ Trung Quốc trở về và chọn vùng Bãi Sậy làm căn cứ, thống nhất các lực lượng chống Pháp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kể từ đó ông trở thành lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy và cuộc khởi nghĩa đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Ông được vua Hàm Nghi phong “Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, gia trấn Trung tướng quân”, nên nhân dân còn gọi ông là quan Hiệp Thống. 
Ông còn được một người Pháp nhận xét rằng: ” Những lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đương thời thường ít quan tâm đến những hoạt động chính trị trong quần chúng nông dân. Chỉ có Tán Thuật là người đã cố gắng tập hợp quần chúng nông dân Bắc Kỳ vào cuộc đấu tranh dân tộc”.
Tại căn cứ Bãi Sậy hiểm yếu, nghĩa quân có thể khống chế con đường giao thông thủy bộ chính ở đồng bằng và tỏa ra uy hiếp các tỉnh thành xung quanh đó. Tán Thuật đã áp dụng chiến thuật du kích, lấy ít địch nhiều, lúc ẩn lúc hiện chống lại cuộc càn quét của địch hoặc vây đánh đồn bốt, đánh phục kích tiêu diệt sinh lực địch, nghĩa quân đã gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại.
Sau các trận đánh không thắng được quân ta, người Pháp phải tặng Nguyễn Thiện Thuật danh hiệu ” Vua Bãi Sậy”. Tên việt gian Hoàng Cao Khải mượn danh vua Đồng Khánh dụ dỗ mua chuộc khuyên Nguyễn Thiện Thuật ra hàng và hứa khôi phục chức tước nhưng ông đã viết vào tờ sớ dụ này 4 chữ “ Bất khả thụ chỉ” ( Không chịu nhận chỉ).
Đến năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật thấy tình thế nhiều khó khăn, ông trao binh quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa rồi sang Trung Quốc mưu tính một cuộc vận động mới nhưng không thành.
Ông mất vì bệnh ngày 25 tháng 5 năm 1926 và được an táng trên quả đồi thuộc hương Quan Kiều, ngoại vi thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bia mộ khắc dòng chữ ” Việt Nam cách mạng. Cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật – Chi mộ”.
Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy – do tướng quân Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo kéo dài 5 năm (1885-1889). Ngoài tinh thần anh dũng bất khuất của nghĩa quân, thì gia đình danh nhân Nguyễn Thiện Thuật là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh kháng Pháp đến cùng.


Mỹ Hào tổ chức lễ dâng hương tại khu tưởng niệm
tướng quân Nguyễn Thiện Thuật ở xã Xuân Dục (ảnh BTGTUHY)

Ngày 30/1/2005, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên đã phối hợp với địa ph­ương và dòng họ đ­ưa di hài của ông về an táng tại quê h­ương Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Cũng trong năm 2005, tỉnh H­ưng Yên đã xây dựng nhà bia tư­ởng niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật trong khu di tích lăng mộ của ông.
 Nhà bia tưởng niệm Nguyễn Thiện Thuật được xây dựng trên một khu đất rộng với diện tích khoảng 1.508m2 bao gồm nhiều hạng mục công trình được bố trí hài hòa như: Tam quan, nhà bia, bức phù điêu, nhà thường trực đón khách và phần mộ của ông.
Từ ngoài vào là Tam quan gồm 3 cửa, kiến trúc được xây theo kiểu truyền thống 4 mái. Đường bờ nóc xây thẳng, hai đầu kìm ngậm đầu bờ nóc với các đầu đao cong.
Một nét đẹp tại khu di tích là cây đề cổ thụ gần 200 năm tuổi, có chiều cao 28m với nhiều cành lá xum xuê xanh tốt. Xưa kia là vị trí vọng gác tiền tiêu, nơi treo cờ và tế cờ của nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật chống thực dân Pháp. Cây cổ thụ quý giá ấy đã gắn bó với con người, làng xã, che chở bóng mát cho khu di tích.
Khu thờ chính có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Nhất (-) gồm một gian với mặt tiền quay hướng Đông Bắc, kiến trúc đơn giản. Tại đây, du khách có thể dâng hương để tưởng niệm tới người anh hùng Nguyễn Thiện Thuật đã tạo vẻ vang cho đất nước. Du khách sẽ được tận mắt quan sát, tìm hiểu, nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của vị lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy cùng những tài liệu, hình ảnh tiêu biểu liên quan đến địa điểm của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy năm xưa như: Văn Chỉ Bình Dân là nơi Đinh Gia Quế và Nguyễn Thiện Thuật tế cờ khởi nghĩa; Đồn Bần Yên Nhân đã từng diễn ra cuộc chiến đấu giữa Nguyễn Thiện Dương với quân Pháp; Bia đá chùa Trung nơi diễn ra trận đánh tháng 11/1888.
 Bên cạnh đó, du khách sẽ thấy nhà bia được xây dựng theo kiểu hai tầng tám mái. Mái lợp ngói mũi, các đầu đao cong tạo dáng mềm mại. Bộ khung chịu lực chính của nhà bia là 8 cột gỗ to khỏe, các cột đều được kê lên các chân tảng đá. Giữa đặt một bia đá dựng năm 2009, mặt chính bia ghi tóm tắt thân thế và sự nghiệp của ông. Hai bên cột treo đôi câu đối chữ Hán có nội dung ca ngợi công lao của ông đối với quê hương, đất nước.
Cách nhà bia là bức phù điêu, được các nghệ nhân tạo tác chạm nổi hình ảnh nghĩa quân Bãi Sậy đang giương cờ khởi nghĩa. Phía trước bức phù điêu là Lăng mộ Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, ngôi mộ có chiều dài khoảng 250cm, chiều rộng 130cm được ốp đá. Công trình thật giản đơn nhưng thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau thành kính với Tướng quân, người có công giúp nước gây dựng nền độc lập dân tộc.
Nguyễn Thiện Thuật không chỉ là một nhà chính trị, một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một nhà thơ, nhà viết chính luận xuất sắc. Năm tháng trôi qua nhưng những chiến công cùng tên tuổi ông còn sống mãi trong lòng người dân Hưng Yên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Để tưởng nhớ tới ông, hằng năm vào các ngày 6/2, 15/4, 9/9 chính quyền xã Xuân Dục cùng nhân dân trong thôn kết hợp với dòng họ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm. Trong tương lai không xa, khuôn viên nhà tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật sẽ được quy hoạch mở rộng diện tích xung quanh để tạo cảnh quan khang trang và thoáng rộng. Nơi đây, sẽ trở thành điểm tham quan về nguồn đầy ý nghĩa, hấp dẫn và độc đáo của du khách trong và ngoài nước.

TTTTXTDL

 
 






TIN BÀI LIÊN QUAN