
Ninh Bình tạm dừng đón khách du lịch bằng phương tiện thuỷ từ 13h ngày 21/7
Căn cứ diễn biến phức tạp của bão số 3 và dự báo mưa lớn, gió giật mạnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh Ninh Bình trong các ngày tới. Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và người lao động, Sở Du lịch yêu cầu: Tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa tại tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh kể từ 13h00 ngày 21/7/2025 cho đến khi có thông báo mới.
Ban Quản lý các khu, điểm du lịch chủ động thông báo tới du khách, đơn vị lữ hành, hướng dẫn phương án di chuyển an toàn, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại bến, bãi. Các đơn vị vận hành phương tiện thủy tổ chức neo đậu tàu, thuyền tại vị trí an toàn; kiểm tra trang thiết bị cứu sinh, sẵn sàng phối hợp cứu hộ khi có yêu cầu.
Thanh Hóa kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch
Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có văn bản số 3677/SVHTTDL-QLDL đề nghị UBND các xã, phường; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ du lịch khác chủ động theo dõi tình hình, diễn biến của bão, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven biển, đảo, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đồng thời phối hợp tổ chức tuyên truyền và di dời, sơ tán khách du lịch đến nơi an toàn; kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Chủ động xây dựng và áp dụng các chính sách hỗ trợ, linh hoạt điều chỉnh dịch vụ đối với khách du lịch bị ảnh hưởng bởi mưa, bão như: Hỗ trợ hoãn/đổi ngày sử dụng dịch vụ; hủy dịch vụ không thu phí trong trường hợp bất khả kháng; hướng dẫn, tư vấn khách lựa chọn phương án an toàn. Tuyệt đối không ép buộc khách sử dụng các dịch vụ du lịch khi điều kiện thời tiết không đảm bảo an toàn hoặc khách không có nhu cầu sử dụng; tăng cường ý thức trách nhiệm, xây dựng hình ảnh thân thiện, chuyên nghiệp của doanh nghiệp du lịch, góp phần giữ gìn uy tín và thương hiệu du lịch Thanh Hóa.
Không tổ chức hoặc khuyến cáo khách du lịch không tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm, không tắm biển, không di chuyển bằng phương tiện đường thủy trong thời gian có cảnh báo nguy hiểm do mưa lớn, dông, lốc, gió giật, sóng lớn...
Sơn La khuyến cáo tạm dừng hoặc điều chỉnh hoạt động tour tuyến, dịch vụ du lịch
Sở VHTTDL đề nghị UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền, phát tin cảnh báo mưa bão, lũ quét, sạt lở đất; rà soát, kiểm tra các điểm du lịch, homestay, khu vực ven sông, suối, đồi núi có nguy cơ mất an toàn. Các cơ sở du lịch phải chủ động phương án đảm bảo an toàn, sẵn sàng sơ tán khách, nhất là khách quốc tế, khi có tình huống xấu xảy ra.
UBND xã, phường chỉ đạo kiểm tra, gia cố các di tích, nhà văn hóa, sân vận động, công trình thể thao; chặt tỉa cây xanh, mái che, biển bảng và xây dựng phương án phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách.
Các khu, điểm du lịch và doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần tạm dừng hoặc điều chỉnh tour tuyến tại khu vực nguy hiểm; ngừng tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm trong thời điểm bão, mưa lũ. Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp kiểm soát số lượng khách và phương tiện (nếu có), hướng dẫn khách tránh xa khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và cộng đồng.
Lạng Sơn tăng cường các phương án đảm bảo an toàn tại các thiết chế văn hóa, thể thao, di tích lịch sử - văn hóa
Sở VHTTDL tỉnh đề nghị UBND các xã, phường, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở tăng cường kiểm tra, rà soát, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch trên địa bàn; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ để chủ động quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch tại địa phương.
Cùng với đó chủ động theo dõi tình hình, diễn biến của bão, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven hồ, ven sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; phối hợp tổ chức tuyên truyền và di dời, sơ tán khách du lịch đến nơi an toàn; kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; xây dựng phương án ứng phó bão lụt cụ thể, triển khai các biện pháp sơ tán, tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Phú Thọ tuyên truyền rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân và khách du lịch hạn chế di chuyển ra ngoài
Sở VHTTDL đề nghị UBND các xã, phường; các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở khẩn trương thực hiện các nội dung ứng phó khẩn cấp đối với cơn bão số 3. Cụ thể, tổ chức tuyên truyền, cập nhật tới người dân bản tin dự báo diễn biến của cơn bão từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia để người dân chủ động phòng chống đặc biệt ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra và công tác di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tuyên truyền rộng rãi tới các tầng lớp Nhân dân và khách du lịch hạn chế di chuyển ra ngoài, tránh các khu vực gần ao, hồ, sông, suối, các địa điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở và có nguy cơ mất an toàn.
Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch trên địa bàn; căn cứ dự báo, cảnh báo của các cơ quan chức năng, tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ để chủ động quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo thay đổi hình thức phù hợp hoặc tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch tại địa phương. Rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch, triển khai các biện pháp sơ tán, tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Chủ động báo cáo, lập phương án di dời, bảo vệ hệ thống di tích, đền chùa, danh lam thắng cảnh trong vùng ngập lụt hoặc sạt lở.
Nghệ An yêu cầu không đưa du khách đến khu vực ảnh hưởng của mưa bão
Sở VHTTDL đề nghị Ban Quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa bão để triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế tại các khu, điểm du lịch; cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, cơ sở vật chất kinh doanh.
Các đơn vị không tổ chức đưa khách đến vùng biển hay khu vực chịu ảnh hưởng bởi mưa bão; đồng thời, cần thiết lập hệ thống biển cảnh báo tại các điểm tham quan, vui chơi và khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cùng nhu yếu phẩm cần được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Các đơn vị cần thường xuyên cập nhật, nhắc nhở và hướng dẫn du khách về diễn biến thời tiết cũng như kỹ năng ứng phó thiên tai, nhằm hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, phải kịp thời báo cáo với Sở VHTTDL Nghệ An và các cơ quan quản lý địa phương về những ảnh hưởng, nguy cơ mất an toàn tại khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh trong thời gian xảy ra mưa bão.
Cao Bằng chủ động triển khai phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch
Ngày 20/7/2025, Sở VHTTDL tỉnh ban hành Công văn số 1436/SVHTTDL-VP yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3. Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn, kiểm soát hoạt động du lịch, kiểm đếm các phương tiện và sơ tán khách khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, khuyến cáo cán bộ, người lao động và du khách hạn chế ra đường khi bão đổ bộ.
Các điểm văn hóa, thể thao, di tích, danh thắng và khu du lịch phải được kiểm tra, gia cố hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn. Tùy vào mức độ ảnh hưởng của bão, cần chủ động dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cần xây dựng phương án phòng chống bão, chuẩn bị nhu yếu phẩm, bố trí nhân lực trực 24/24 và phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong xử lý tình huống khẩn cấp.
Cơ quan báo chí, truyền thông địa phương cần cập nhật liên tục thông tin từ cơ quan khí tượng, ưu tiên phát tin cảnh báo thiên tai, mưa lũ, sạt lở, dịch bệnh. UBND các xã, phường chỉ đạo hệ thống truyền thanh thường xuyên thông báo diễn biến bão, kết hợp tuyên truyền bằng tiếng dân tộc phù hợp với đặc điểm địa phương.
Lâm Đồng chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão gây ra
Sở VHTTDL Lâm Đồng đề nghị các đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó mưa bão. Cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, cập nhật thông tin từ cơ quan chức năng để kịp thời khuyến cáo, điều chỉnh hoặc dừng hoạt động du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Các đơn vị phải xây dựng phương án phòng chống bão, trang bị phương tiện cứu hộ, bố trí lực lượng cứu hộ, treo cờ báo bão và ngừng các hoạt động trên biển cho đến khi có thông báo mới.
Đồng thời, cần niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng, bố trí nhân sự trực 24/24 để hỗ trợ du khách kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn du khách tuân thủ cảnh báo, tránh di chuyển đến khu vực nguy hiểm. Chủ động phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc sơ tán du khách khi cần thiết.
Các đơn vị kịp thời báo cáo tình hình ảnh hưởng, nguy cơ mất an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch trong thời gian xảy ra mưa bão.
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam